Bộ trưởng TN-MT: Chưa dự báo được mưa lớn, lũ lên nhanh lịch sử trong bão Yagi

Mai Hà
Mai Hà
28/09/2024 11:43 GMT+7

Nêu kinh nghiệm rút ra từ cơn bão Yagi, Bộ trưởng TN-MT Đỗ Đức Duy cho biết, hạn chế là chưa tính toán, dự báo được gió giật mạnh cấp 17 trên đất liền, đây cũng là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử.

Sáng 28.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3 (bão Yagi).

Bộ trưởng TN-MT: Chưa dự báo được mưa lớn, lũ lên nhanh lịch sử trong bão Yagi- Ảnh 1.

Bộ trưởng TN-MT Đỗ Đức Duy báo cáo tại hội nghị

ẢNH: NHẬT BẮC

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng TN-MT Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, cơn bão số 3 có những đặc điểm bất thường. Đây là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông, đổ bộ Bắc bộ vào cuối mùa mưa lũ ở khu vực Bắc bộ, các hồ chứa đã chuyển sang giai đoạn tích nước phục vụ mùa khô.

Yagi cũng là cơn bão có cường độ tăng rất nhanh, từ bão tăng lên cấp siêu bão (tăng 8 cấp trong 48 giờ) và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài, khi đổ bộ phía đông đảo Hải Nam (Trung Quốc) vẫn còn giữ cường độ siêu bão.

Mức độ giảm cấp trên đường đi không theo quy luật thông thường: thông thường khi đi qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) vào vịnh Bắc bộ, các cơn bão thường yếu đi nhanh, nhưng với bão số 3 cường độ không giảm nhanh, khi áp sát bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng vẫn giữ cường độ cấp 12 - cấp 13.

Phạm vi ảnh hưởng rộng, thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài (12 giờ), thông thường chỉ khoảng 6 - 8 giờ hoặc tan nhanh. Nguyên nhân là do vùng ảnh hưởng gió mạnh rộng, suy yếu chậm trên đất liền.

Áp thấp nhiệt đới mới gần Biển Đông sẽ di chuyển thế nào?

Đánh giá về kết quả công tác dự báo, theo ông Duy là "cơ bản, chính xác, kịp thời và tương đồng" với các cảnh báo của các cơ quan khí tượng thủy văn trong khu vực và thế giới. 

Tuy nhiên, trong bão Yagi chưa tính toán, dự báo được gió giật mạnh cấp 17 trên đất liền (chưa từng xảy ra trong lịch sử) và thời gian tồn lưu bão kéo dài hơn bình thường.

Với công nghệ hiện nay chưa dự báo được mưa cường suất lớn trên 200 mm/6 giờ, các thông tin tính toán hiện nay chưa xác định được cường độ mưa lớn trong thời đoạn ngắn và khu trú được lượng mưa tập trung trên lưu vực sông Thao, sông Lô.

Đặc biệt, chưa tính toán, dự báo sớm được lũ lịch sử lên nhanh với cường suất lớn tại một số vị trí trên sông Thao. Chưa cảnh báo được chi tiết đến thôn, bản, điểm lũ quét, sạt lở đất.

Về nguyên nhân, lãnh đạo Bộ TN-MT cho rằng, do đặc điểm địa hình địa chất khu vực trung du miền núi phía bắc chia cắt mạnh, biến động phức tạp theo không gian.

Công nghệ quan trắc, dự báo thiên tai (bão, mưa, lũ, lũ quét, sạt lở) đã đạt trình độ các nước trong khu vực, tuy nhiên vẫn còn hạn chế để đánh giá, dự báo được các chỉ số cực đoan, bất thường chưa được như mong muốn.

Công nghệ dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến từng thôn, bản hiện nay còn rất khó khăn, hạn chế về mặt khoa học, kể cả các nước tiên tiến (ngay cả khi có được hệ thống quan trắc mưa, quan trắc dịch chuyển đất đủ dày).

Lãnh đạo Bộ TN-MT cũng kiến nghị rà soát các phương án vận hành hồ chứa với kịch bản mưa lũ cực đoan, đặc biệt là khu vực miền Trung đang được cảnh báo khả năng xảy mưa lũ dồn dập và mùa lũ kết thúc muộn trong các tháng 10 - tháng 11 do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina. 

Còn chủ quan ứng phó khi bão đổ bộ

Còn theo Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, bên cạnh những kết quả nổi bật trong triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả bão và mưa lũ sau bão, thì thiệt hại do bão, lũ quét, sạt lở đất vẫn còn rất lớn.

Bộ trưởng TN-MT: Chưa dự báo được mưa lớn, lũ lên nhanh lịch sử trong bão Yagi- Ảnh 2.

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan

ẢNH: NHẬT BẮC

Ông Hoan cho hay, các kịch bản, phương án với những tình huống thiên tai lớn, trên diện rộng, khu vực vùng sâu, vùng xa khi bị chia cắt... còn hạn chế, chưa bài bản, chưa phù hợp thực tế. 

Việc cảnh báo tác động, nguy cơ thiệt hại do bão, mưa lũ còn chưa cụ thể, người dân chưa hình dung được những thiệt hại to lớn khi bão đổ bộ cũng như tác động sau khi bão đã đổ bộ, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tư tưởng chủ quan trong ứng phó.

Cạnh đó, vẫn còn tình trạng chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo, khuyến cáo của cơ quan chức năng trong phòng, chống bão dẫn đến thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản như ở lại trên tàu thuyền khi neo đậu và tham gia giao thông khi có gió bão. 

Chưa thực hiện nghiêm túc, triệt để công tác cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố nhà cửa, công sở, kho tàng, biển báo, biển quảng cáo,… dẫn đến bị tốc mái, gãy đổ rất nhiều.

Thiệt hại về người do mưa bão lớn (344 người chết và mất tích), số người chết do sạt lở đất, lũ quét (264 người chết và mất tích) chiếm tỷ lệ cao.

Bộ NN-PTNT

Phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn còn thiếu và yếu chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhất là khi xảy ra tình huống vùng sâu, vùng xa, trong điều kiện thời tiết phức tạp như gió bão, mưa lũ lớn, sạt lở chia cắt.

Bộ trưởng NN-PTNT cũng chỉ rõ, khả năng chống chịu cơ sở hạ tầng nói chung, nhất là nhà dân, công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng còn thấp trước sức tàn phá của bão, lũ; hệ thống giao thông thường xuyên xảy ra sạt lở, ngập sâu, chia cắ... 

Các tuyến đê biển hiện được thiết kế chống chịu với bão cấp 9 - cấp 10, triều trung bình 5% nhưng đã chịu tác động của bão cấp 11 - cấp 12, giật cấp 14 vượt mức thiết kế; hệ thống điện, viễn thông bị thiệt hại nặng nề do gió bão.

Trận lũ lớn nhất tại khu vực Bắc bộ từ năm 1971

Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng còn một số tồn tại, bất cập. Cụ thể, quy định về thời gian mùa lũ không phù hợp, quy định về tích nước sớm, vì nhiều trận lũ lớn đã xảy ra vào thời kỳ lũ muộn như năm 2017, năm 2024 dẫn đến dung tích cắt lũ các hồ chứa không đáp ứng yêu cầu cắt giảm lũ cho hạ du.

Quy định về thẩm quyền chưa cụ thể, dẫn đến lúng túng, thời gian kéo dài trong phối hợp xử lý (như quy định về tình huống khẩn cấp hồ Thác Bà).

Ngập lụt diễn ra nghiêm trọng, kéo dài, trên diện rộng tại nhiều địa phương, kể cả đô thị miền núi do quá trình đô thị hóa, xây dựng công trình, lấn chiếm làm giảm khả năng thoát lũ các tuyến sông, suối gây ngập úng kéo dài.

"Đây là trận lũ lớn nhất kể từ năm 1971 trên toàn bộ lưu vực đồng bằng sông Hồng - Thái Bình là bài học cảnh tỉnh cho các địa phương trong việc khai thác, sử dụng bãi sông", ông Hoan nói và chỉ rõ nguyên nhân do các địa phương chưa thực hiện nghiêm việc bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông, lòng sông, trước hết cho sông Hồng, sông Cửu Long, sông Cầu và các sông lớn khác.

Tình trạng khai thác cát trái phép còn diễn biến phức tạp trên các tuyến sông, nhất là sông Lô, uy hiếp đến an toàn đê điều, đã gây sạt trượt thân đê hữu Lô thuộc xã Hùng Long (H.Đoan Hùng, Phú Thọ) khi nước rút.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.