Bộ trưởng TN-MT: 'Luật Đất đai hiệu lực sớm ngày nào, dân hưởng lợi ngày đó'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
20/06/2024 15:03 GMT+7

Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh khẳng định, luật Đất đai có hiệu lực sớm ngày nào thì người dân được hưởng lợi ngày đó; đồng thời cho biết Chính phủ rất quyết tâm, làm ngày làm đêm để ban hành các văn bản hướng dẫn luật.

Sáng 20.6, Quốc hội thảo luận tại tổ về việc ban hành luật để sửa đổi hiệu lực các luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản và Các tổ chức tín dụng 1.8 thay vì 1.1.2025, sớm hơn 5 tháng.

Luật chậm hiệu lực ngày nào, tốc độ phát triển chậm ngày đấy

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu khẳng định việc sửa đổi hiệu lực của luật Đất đai và 3 luật liên quan là cần thiết.

"Thực tiễn ở địa phương nhất là liên quan giá đất, thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, địa phương hết sức nóng ruột. Chúng tôi cũng làm việc với Chính phủ, cũng đề nghị có giải pháp thế nào chứ chậm ngày nào thì tốc độ tăng trưởng, tốc độ phát triển của từng tỉnh và của đất nước nói chung chậm ngày đấy", ông Lưu nhấn mạnh.

Bộ trưởng TN-MT: 'Luật Đất đai hiệu lực sớm ngày nào, dân hưởng lợi ngày đó'- Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu

GIA HÂN

Bí thư Thừa Thiên - Huế cho rằng, luật Đất đai thông qua đến nay đã 6 - 7 tháng, cũng không phải là mới. Do đó, cùng với hiệu lực sớm, việc chuẩn bị thông tư, nghị định hướng dẫn phải làm sớm để địa phương có thể thực hiện.

Ông Lưu dẫn ví dụ một dự án trước đây thuộc diện thu hồi đất, giờ chuyển qua thỏa thuận, một nửa thu hồi, một nửa thỏa thuận thì làm thế nào? Hay một vấn đề khác là định giá đất như thế nào? "Hiện nay chính quyền các địa phương đang rất lúng túng, đang cãi nhau", ông Lưu cho hay.

Theo ông, các vướng mắc này có thể được giải quyết khi luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực. Do đó, luật Đất đai và các luật liên quan có hiệu lực sớm ngày nào tốt ngày đó.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cũng nói, bà không dám khẳng định luật Đất đai có hiệu lực sớm sẽ giúp nền kinh tế đất nước tăng trưởng, song chắc chắn ở Thái Nguyên việc luật có hiệu lực sớm sẽ tác động tới tăng trưởng của địa phương. Rất nhiều dự án đang chờ luật Đất đai có hiệu lực.

ĐB Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cũng tán thành việc các luật nói trên có hiệu lực sớm nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, ông Mai nói: "chỉ mong việc các luật có hiệu lực sớm không tạo ra những xáo trộn, khó khăn vì mục đích hiệu lực sớm là để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ của mình".

Cũng đồng tình việc luật Đất đai và các luật hiệu lực sớm, song đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên - Huế) lo lắng có thể xảy ra những trục trặc trong việc xây dựng, ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn. Cạnh đó, bà Sửu cho rằng, Chính phủ sẽ phải vất vả hơn và đòi hỏi nỗ lực hơn trong việc này khi hiệu lực của luật sớm hơn 5 tháng.

"Chính phủ rất quyết tâm, làm ngày làm đêm"

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh cho hay, luật Đất đai trải qua 4 kỳ họp Quốc hội cho ý kiến, khi được Quốc hội thông qua đã cân nhắc rất kỹ lưỡng.

"Từ thời điểm luật được thông qua (1.2024) đến giờ thì dư luận người dân, doanh nghiệp, cộng đồng, các địa phương… đều rất mong muốn luật có hiệu lực sớm. Bởi vì trong luật Đất đai có rất nhiều chính sách có lợi cho người dân, doanh nghiệp, khơi dậy nguồn lực đất đai để phục vụ phát triển của đất nước", ông Khánh nói.

Bộ trưởng TN-MT: 'Luật Đất đai hiệu lực sớm ngày nào, dân hưởng lợi ngày đó'- Ảnh 2.

Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh nêu ý kiến tại tổ sáng 20.6

GIA HÂN

Còn các luật Nhà ở và luật Kinh doanh bất động sản, ông Khánh cho hay, được Quốc hội thông qua vào tháng 10.2023. Thông lệ, các luật này sẽ có hiệu lực từ 1.7, song do phải chờ luật Đất đai nên hiệu lực mới lùi tới 1.1.2025.

Về vấn đề nhiều đại biểu lo lắng là các văn bản hướng dẫn, ông Khánh cho hay, ngay sau khi thông qua luật Đất đai, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN-MT và các cơ quan liên quan với yêu cầu bắt tay vào làm việc ngay.

"Tại sao hôm nay mới báo cáo Quốc hội? Khi Chính phủ thấy điều kiện chín rồi mới báo cáo với Quốc hội. Có một khoảng thời gian, chúng tôi đã rất tích cực trong việc này", ông Khánh khẳng định và cho hay, tới nay, các nghị định hướng dẫn luật Đất đai đã lấy ý kiến thành viên Chính phủ, đã xong về chính sách cơ bản, giờ chỉ còn xử lý về mặt kỹ thuật.

"Có nhiều nghị định hướng dẫn Bộ TN-MT đã tiến hành lấy ý kiến các thành viên Chính phủ lần thứ 2. Phó thủ tướng Chính phủ cũng đã họp trực tiếp với các địa phương về các văn bản hướng dẫn của địa phương", ông Khánh nói.

Về việc đánh giá tác động khi luật Đất đai và các luật có hiệu lực sớm 5 tháng, Bộ trưởng TN-MT nói bộ này và Bộ Xây dựng đã có hồ sơ đánh giá tác động đầy đủ. 

"Tác động tốt, hiệu quả nếu luật có hiệu lực sớm. Vì luật có hiệu lực sớm sẽ giải quyết các tồn đọng, vướng mắc", ông Khánh nói, và cho biết, chẳng hạn người dân đang rất mong chờ luật có hiệu lực để được cấp giấy sử dụng đất với những thửa đất không tranh chấp, không vi phạm pháp luật từ 1.7.2014 trở về trước. "Làm sớm ngày nào thì người dân được hưởng lợi ngày đó", ông Khánh nói thêm.

Từ góc độ địa phương, ông Khánh nói, trước đây việc chuyển mục đích đất lúa, đất rừng 10 ha phải trình lên Chính phủ thì luật Đất đai đã phân cấp cho địa phương. Nếu luật Đất đai có hiệu lực sớm thì thủ tục hành chính được rút, góp phần thu hút, giải quyết các dự án đầu tư và khơi dậy được nguồn lực đất đai.

"Chính phủ rất quyết tâm, làm ngày làm đêm. Chính phủ cam kết và quyết tâm ban hành sớm các nghị định hướng dẫn", ông Khánh nhấn mạnh.

Về phía địa phương, theo ông Khánh, các hướng dẫn của địa phương được tiến hành song song, nhưng mang tính kế thừa các hướng dẫn trước là nhiều, không mang tác động lớn. "Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo các địa phương và thực hiện song song đồng hành cùng các dự thảo NĐ hướng dẫn. Tôi thấy các địa phương vẫn đang sẵn sàng", ông Khánh cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.