Hội nghị khoa học quốc tế với chủ đề: Đổi mới sáng tạo khoa học trái đất, kinh tế tuần hoàn và tính bền vững - Hanoi Geoengineering 2022, do Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-M) tổ chức đã khai mạc sáng nay 11.2, tại Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà phát biểu tại lễ khai mạc Hanoi Geoengineering 2022 |
Khương trung |
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, Hanoi Geoengineering 2022 được tổ chức theo hình thức kết hợp offline và online, có sự tham dự của 100 nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp đến từ Bộ KH-CN, Bộ TN-MT cùng các nhà khoa học của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, New Zealand, Úc…
Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn, Hanoi Geoengineering 2022 đã nhận được 51 báo cáo của các nhà khoa học trong nước và quốc tế tập trung vào các chủ đề chính, gồm: đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học trái đất, công nghệ địa kỹ thuật, địa chất sinh thái cho phát triển kinh tế sinh thái và kinh tế tuần hoàn.
Các tham luận tại hội thảo chia sẻ kết quả các công trình nghiên cứu mới về môi trường và biến đổi khí hậu; giảm chất thải, nước thải và khí nhà kính; công nghệ thủy văn (quản lý nước thải và xử lý nước), giảm ô nhiễm vi nhựa.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng thảo luận về giải pháp tái tạo tài nguyên thiên nhiên, vật liệu thân thiện môi trường, vật liệu xanh, năng lượng tái tạo và năng lượng sạch (thủy điện, năng lượng thủy triều, gió, mặt trời và địa nhiệt); mô hình tích hợp sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên...
Ngoài ra, hội thảo lần này cũng tập trung thảo luận, chia sẻ bài học kinh nghiệm từ các quốc gia về giải pháp xây dựng thể chế và chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển và duy trì tính bền vững của kinh tế tuần hoàn; các giải pháp chuyển đổi số và công nghệ sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn.
Chia sẻ trước các nhà khoa học trong nước và quốc tế, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà bày tỏ mong muốn, các nhà khoa học trái đất cần thể hiện vai trò tiên phong trong việc tìm ra những giá trị mới, đưa ra những giải pháp khả thi về chôn lấp, lưu trữ các bon ở các mỏ đã khai thác; tìm kiếm các nguồn nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo như địa nhiệt, sóng, gió, năng lượng mặt trời, các nguồn vật liệu mới thay thế vật liệu truyền thống không thân thiện với môi trường đặt nền móng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
“Bộ TN-MT là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26 hoan nghênh, đánh giá cao ý tưởng tổ chức hội nghị này và mong muốn sau hội nghị sẽ nhận được nhiều khuyến nghị của các nhà khoa học để đóng góp cho Chính phủ Việt Nam triển khai các cam kết với quốc tế về môi trường và khí hậu, cũng như giải pháp công nghệ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên”, ông Hà bày tỏ tại hội nghị.
Bình luận (0)