Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về dự thảo luật Căn cước sáng 25.10, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, dự thảo luật đã tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội để hoàn thiện.
Theo ông, việc xây dựng luật để thực hiện nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đề ra là đẩy mạnh Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng số, các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt.
Bên cạnh đó, thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu lớn, nhất là cơ sở dữ liệu về dân cư, y tế, giáo dục, bảo hiểm, đất đai, nhà ở... để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Bộ trưởng Tô Lâm: Thẻ căn cước gắn chip 'không thể theo dõi được'
“Việc xây dựng luật Căn cước là rất quan trọng và cần thiết, không chỉ yêu cầu đáp ứng quản lý, giảm thủ tục hành chính mà còn phát huy giá trị các cơ sở dữ liệu trong phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ chuyển đổi số”, ông Tô Lâm khẳng định.
Theo lãnh đạo Bộ Công an, dự thảo luật đã được rà soát, chỉnh lý kỹ lưỡng về các thuật ngữ của các nhóm vấn đề; cụ thể về quyền và nghĩa vụ của công dân, cơ sở dữ liệu về căn cước, thu thập cập nhật khai thác dữ liệu thông tin, quy định liên quan đến thẻ căn cước, quản lý người Việt Nam sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch…
Trước đó, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nói rằng người dân lo lắng thẻ căn cước gắn chip điện tử đi đến đâu sẽ biết đến đó, hoặc có thể bị theo dõi. Ông đề nghị cơ quan soạn thảo giải thích thêm về vấn đề này để người dân hiểu và yên tâm.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc thẻ căn cước gắn chip điện tử và mã QR Code không thể theo dõi được. “Tôi khẳng định Bộ Công an hay bất cứ cơ quan nào cũng không được theo dõi và không thể theo dõi. Chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo an toàn, an ninh công dân; những người sử dụng thẻ căn cước không bị bất kỳ tổ chức, cá nhân nào theo dõi. Bảo mật an ninh, an toàn dữ liệu của công dân đã được khai báo và tích hợp”, Bộ trưởng Bộ Công an nói và cho rằng đây là những thông tin có thể do các đối tượng xấu tung ra gây hoang mang dư luận.
Đề nghị không nên tích hợp mã QR cùng chip điện tử
Trước đó, nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết thống nhất với cơ quan soạn thảo và thẩm tra về các nội dung làm rõ hơn các quy định liên quan đến cơ sở dữ liệu, tính bảo mật thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về căn cước.
Đây là cơ sở dữ liệu duy nhất của Nhà nước được Chính phủ đầu tư bài bản cơ sở hạ tầng. Hệ thống phần mềm được quản lý, giám sát bởi đội ngũ chuyên môn về công nghệ thông tin, an ninh mạng.
“Do đó, việc truy xuất thông tin được thực hiện theo quy trình kiểm soát an ninh mạng chặt chẽ, bảo đảm tính bảo mật và an toàn thông tin”, bà Phúc nêu.
Liên quan đến việc sử dụng thẻ gắn chip song song với sử dụng mã QR, đại biểu Phúc đề nghị cân nhắc theo hướng chỉ sử dụng chip điện tử trên thẻ căn cước là đảm bảo các điều kiện sử dụng, khai thác thông tin khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự; không nên tích hợp mã QR cùng chip điện tử trên thẻ căn cước.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) cho rằng dự thảo bổ sung quy định về tích hợp thông tin mang tính ổn định được sử dụng thường xuyên của công dân, giúp giảm giấy tờ, thực hiện cải cách hành chính. Nhưng hiện nay công dân vẫn phải sử dụng 2 hình thức là thẻ định danh điện tử và giấy tờ cá nhân.
Điều này có thể dẫn tới tình trạng thông tin trên thẻ căn cước không phản ánh đúng thực trạng pháp lý của các giấy tờ gốc. Vì thế, ông đề xuất cần có giải pháp tích hợp, kết nối kịp thời và khẳng định tính pháp lý thông tin vào thẻ căn cước và tài khoản định danh điện tử.
“Tránh việc lạm dụng đánh cắp thông tin của công dân, cơ quan soạn thảo nghiên cứu cụ thể hơn về phạm vi khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”, ông Thắng nêu.
Xem nhanh 12h ngày 25.10: Thời sự toàn cảnh
Bình luận (0)