Bộ trưởng trả lời chưa thỏa đáng

12/06/2015 05:45 GMT+7

Đó là nhận xét thẳng thắn của ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) về câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trong phiên trả lời chất vấn của ĐBQH chiều qua (11.6).

Đó là nhận xét thẳng thắn của ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) về câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trong phiên trả lời chất vấn của ĐBQH chiều qua (11.6).

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn - Ảnh: Ngọc Thắng

Nhận được nhiều câu hỏi về các vấn đề nóng nhưng đa số câu trả lời của Bộ trưởng Hoàng chưa khiến ĐBQH hài lòng.

Giá điện chỉ biết tăng mãi

ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) đặt câu hỏi: “Từ khi thành lập ngành điện đến nay, giá điện cứ tăng mãi. Về lý thuyết, nếu nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia sản xuất thì giá điện giảm, nhưng điều này đã không đúng với ngành điện?”. Bộ trưởng Hoàng trả lời: “Từ lần tăng giá tháng 8.2013, đến đầu năm 2015, giá điện mới tăng 7,5%. Từ trước đến nay, chúng ta còn bao cấp nên giá điện thấp. Kể từ năm 2015, thực hiện chủ trương điều hành theo cơ chế thị trường nên giá bán điện mới cao hơn giá thành. Nếu theo lộ trình thì đến 2016, giá điện mới hoàn toàn theo thị trường”. Chưa hài lòng, ĐB Sĩ Cương hỏi tiếp: “Nếu còn độc quyền, giá điện còn theo chiều hướng tăng mãi, Bộ trưởng giải trình gì về lộ trình 2016 mà xóa được độc quyền về điện?”. “Theo kế hoạch thì đến năm 2016 sẽ thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh, năm 2021 sẽ có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, lúc đó các nhà sản xuất sẽ tự do bán, khách hàng tự do lựa chọn đơn vị bán điện cho mình”, Bộ trưởng Hoàng trả lời.

Công nghiệp hỗ trợ mới quyết định nâng tỷ lệ nội địa hóa sản xuất ô tô nhưng bao nhiêu năm qua, chưa có chuyển biến đáng kể. Bộ trưởng đã có những tham mưu gì cho Chính phủ?

ĐB Thân Đức Nam

Tôi xin nhận trách nhiệm về việc này. Thực tế, những năm qua, đã có cơ chế, chính sách công nghiệp hỗ trợ nhưng kết quả còn hạn chế

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) nêu câu hỏi: “Hiện nay việc kinh doanh xăng dầu không theo cơ chế thị trường, nhà nước vẫn quản lý giá. Bộ tham mưu cơ chế gì để việc điều hành xăng dầu nước ta cũng theo thị trường như các nước trong khu vực?”. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đáp: “Hiện nay, cơ chế điều hành giá xăng cũng mới đang từng bước theo cơ chế thị trường. Theo quy định của Nghị định 83/CP của Chính phủ thì VN lấy giá xăng dầu trên thị trường Singapore làm chuẩn, sau 15 ngày sẽ điều chỉnh tăng, giảm tương ứng. Nhưng giá xăng dầu thay đổi luôn có tác động mạnh đến đời sống kinh tế, người dân nên chúng ta vẫn phải dùng thuế, quỹ bình ổn giá xăng dầu để khi điều chỉnh, can thiệp điều chỉnh ở mức hợp lý”.

ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) truy vấn: “Mỗi lần cơ quan nhà nước cho tăng chi phí định mức, lợi nhuận định mức là DN kinh doanh xăng dầu công bố lãi thêm hàng ngàn tỉ đồng, làm dư luận ngã ngửa. Cơ chế điều hành giá xăng dầu liệu có kẽ hở không và Bộ sẽ làm thế nào để lợi ích hài hòa cho người dân?”. Đồng tình với cách đặt vấn đề của ĐB Hiến song Bộ trưởng Hoàng cũng phân trần: “Hiện nay, cơ chế điều hành giá xăng dầu mới, mới áp dụng được 6 tháng. Chúng tôi sẽ cùng Bộ Tài chính xem xét cơ chế điều hành, phát hiện những bất cập để nếu cần thiết sẽ bổ sung, sửa đổi”.

“Tôi xin nhận trách nhiệm”

ĐB Thân Đức Nam chất vấn: “Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) mới quyết định nâng tỷ lệ nội địa hóa sản xuất ô tô, nhưng bao nhiêu năm qua, chưa có chuyển biến đáng kể”. Nhận trách nhiệm về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thanh minh: “Những năm qua, đã có cơ chế, chính sách CNHT nhưng kết quả còn hạn chế. Vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công thương chủ trì xây dựng dự thảo nghị định về CNHT. Chúng tôi đã soạn thảo, trình Chính phủ nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua do có 2 đề xuất không được chấp nhận như hỗ trợ DN qua quỹ CNHT và tăng nhân lực cho các trung tâm trợ giúp CNHT. Chính phủ cho rằng, hiện nay đang phải cải cách, tổ chức bộ máy, không thể tăng thêm người nên việc trình của chúng tôi chưa được tròn trách nhiệm”.

ĐB Lê Trọng Sang (TP.HCM) truy tiếp: “Bộ trưởng có thể khẳng định bao giờ mới ban hành nghị định về CNHT?”. Vẫn không cụ thể, Bộ trưởng Hoàng trả lời: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo này. Đây là món nợ của chúng tôi nên bằng mọi cách Bộ Công thương sớm nhất trình Chính phủ ban hành vì không thể để muộn hơn nữa”.

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) hỏi: “Về các dự án thủy điện, Bộ trưởng NN-PTNT nói Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cần nghiêm khắc xử phạt những nơi chủ đầu tư không thực hiện việc trồng rừng thay thế. Bộ trưởng thấy thế nào? Có tình trạng nhiều dự án không có đất trồng rừng thay thế mà vẫn cấp phép thì trách nhiệm nơi cấp dự án thế nào?”. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải trình: “Chúng tôi đồng tình với ý kiến Bộ trưởng NN-PTNT. Với các trường hợp chây ì, không trồng rừng thay thế thì sẽ thu hồi giấy phép hoạt động điện lực. Nếu không có đất trồng rừng thì báo cáo để Bộ NN-PTNT xem xét, trồng ở nơi khác”. ĐB Nguyễn Thái Học thẳng thắn: “Bộ trưởng trả lời chưa thỏa đáng. Bộ trưởng nói trước đây chưa tính đến trồng rừng thay thế là không đúng vì khi phê duyệt dự án, các báo cáo đánh giá tác động môi trường đều có yêu cầu trồng rừng thay thế. Nhưng do ít chú trọng nên xảy ra tình trạng đó. DN sẵn sàng trồng rừng nhưng đất không còn, vấn đề trách nhiệm cơ quan phê duyệt dự án”. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói: “Thực sự, nhiều dự án thủy điện trước đây chưa chú ý vấn đề này, đến nay mới kiên quyết bắt trồng bù. Trước nay chưa bắt nên xảy ra tình trạng không trồng bù”.

Bế tắc tiêu thụ hàng nông sản

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng nhận được khá nhiều câu hỏi về vấn đề bế tắc tiêu thụ hàng nông sản. Trả lời chất vấn của ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang): “Vừa qua, nông sản tồn ứ, có mặt hàng nông dân phải đổ bỏ. Bộ trưởng suy nghĩ thế nào và có giải pháp gì để có chuyển biến cụ thể?”, Bộ trưởng Hoàng nói: “Đúng là việc xuất khẩu nông sản vừa qua sụt giảm do giá thấp, nhu cầu một số nước giảm. Bộ Công thương cũng đã đẩy nhanh quá trình ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), thực hiện các biện pháp xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường... Chúng tôi luôn lưu ý, nông nghiệp vẫn là một lĩnh vực kinh tế quan trọng nên khi đàm phán FTA luôn đặt vấn đề mở cửa thị trường, tạo điều kiện cho một số sản phẩm nông nghiệp mà VN có lợi thế”. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi cụ thể của ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) về tình trạng bế tắc tiêu thụ sản phẩm hành tím ở Sóc Trăng suốt 3 năm qua, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận: “Hiện nay, sản lượng hành tím cả nước đạt 80.000 - 100.000 tấn năm, tiêu thụ 20% trong nước, còn lại xuất khẩu sang Indonesia. Nhưng do Indonesia bắt đầu trồng hành tím, giảm nhập khẩu nhưng thông tin đó đến chúng ta lại không kịp thời. Chúng tôi đề nghị các địa phương xem xét đến việc tiêu thụ hành tím ở nước ngoài không thuận lợi nên cần chú ý thực hiện đúng diện tích quy hoạch trồng hành tím hiện có”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.