Bộ trưởng TT-TT: 'Định giá sim số đẹp mất hàng trăm triệu nhưng bán chỉ chục triệu'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
24/08/2023 14:31 GMT+7

Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nói việc định giá từng sim số đẹp để thực hiện đấu giá với chi phí đấu giá lên tới hàng trăm triệu nhưng khi bán chỉ được chục triệu, khiến việc đấu giá sim số đẹp không triển khai được trên thực tế.

Sáng 24.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp 25, cho ý kiến về các vấn đề lớn của luật Viễn thông sửa đổi, trong đó có việc đấu giá sim số đẹp.

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy cho hay liên quan đấu giá kho số viễn thông (số thuê bao điện thoại), tài nguyên internet, dự thảo luật đã chỉnh lý theo hướng chỉ quy định mang tính nguyên tắc, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt trong quá trình thực hiện.

Bộ trưởng TT-TT: 'Định giá sim số đẹp mất hàng trăm triệu nhưng bán chỉ chục triệu' - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo tại phiên họp

PHẠM THẮNG

Theo đó, dự thảo luật giao Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý kho số viễn thông, tài nguyên internet; đấu giá kho số viễn thông, tài nguyên internet; việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi kho số viễn thông, tài nguyên internet; điều kiện hoạt động, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền.

Điểm mới đáng lưu ý là dự thảo đã quy định về cách thức xác định giá khởi điểm đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông di động (sim thuê bao di động) mặt đất thay vì quy định mức giá cụ thể như trong dự thảo đã được Chính phủ trình Quốc hội là 1 triệu đồng.

Theo đó, giá khởi điểm để đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất được xác định bằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá tính cho một ngày.

Theo ông Huy, tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng, quy ra ngày là khoảng 262.000 đồng. Việc lựa chọn chỉ tiêu GDP bình quân đầu người là phù hợp vì đây là một chỉ tiêu do Tổng cục Thống kê công bố vào cuối năm, phản ánh được tình hình phát triển kinh tế của đất nước và mức tiêu dùng của người dân.

Có tháo gỡ được vướng mắc?

Nêu ý kiến thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay: quy định của pháp luật khá cụ thể về đấu giá và sử dụng kho số viễn thông. Tuy nhiên, loại tài sản này trong thời gian vừa qua khó đưa ra đấu giá vì không xác định giá khởi điểm.

Ông Tùng cho rằng cách tiếp cận như hiện nay của luật Viễn thông sửa đổi để xử lý những vấn đề về kho số viễn thông, tên miền quốc gia là cơ bản phù hợp với luật Đấu giá tài sản và các luật chuyên ngành.

Bộ trưởng TT-TT: 'Định giá sim số đẹp mất hàng trăm triệu nhưng bán chỉ chục triệu' - Ảnh 2.

Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng giải trình tại phiên họp

PHẠM THẮNG

Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng, hiện nay việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông và tên miền internet trong thực tiễn là chưa thực hiện được, đề nghị cơ quan soạn thảo luật báo cáo rõ lý do vướng mắc. 

"Việc quy định như trong dự thảo luật Viễn thông liệu có tháo gỡ được những vướng mắc đó hay không? Cần đảm bảo làm sao sau khi luật ban hành có thể triển khai được", ông Tùng nêu.

Giải trình, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện trong kho số có hàng trăm nghìn số điện thoại đẹp, thậm chí đến hàng triệu.

Ông cho biết, quy định trước đây phải định giá từng số một. Khi định giá phải thuê tư vấn, nên chi phí để thẩm định giá số đẹp có thể lên đến hàng trăm triệu, nhưng khi bán đi chỉ có chục triệu. Nên quy định trước đây không khả thi. Vì vậy, dự thảo lần này sửa đổi quyết định một mức giá khởi điểm cố định cho tất cả số đẹp.

Giải thích thêm về lý do quyết định một mức giá khởi điểm cố định cho tất cả số đẹp, ông Hùng nói hiện một số điện thoại đẹp đưa ra có hàng triệu người quan tâm, tức là tính thị trường rất cao.

"Khi hàng triệu người quan tâm thì họ sẽ định ra giá đó. 3 người mua có thể đồng thuận giảm giá xuống nhưng hàng triệu người sẽ rất khó. Như vậy, thị trường sẽ quyết định. Nếu thông qua được dự luật lần này theo nghĩa có giá khởi điểm cho tất cả số đẹp thì việc đấu giá sẽ khả thi", ông Hùng khẳng định.

Theo đó, luật Viễn thông năm 2009 đã quy định việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên internet (bao gồm cả tên miền internet) nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên viễn thông, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, cho đến nay, việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên internet vẫn chưa thực hiện được trên thực tế. 

Luật Viễn thông sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10.2023).



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.