Sáng 15.8, chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Bùi Mạnh Khoa (đoàn Thanh Hóa), Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật Quốc hội, phản ánh công tác đấu giá tài sản, nhất là tài sản công còn nhiều bất cập.
Theo đại biểu Khoa, việc tiếp cận tham gia đấu giá khó khăn, tình trạng trúng đấu giá nhưng không giao được tài sản, đặc biệt là trong lĩnh vực thi hành án dân sự. "Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này và giải pháp khắc phục trong thời gian tới?", ông Khoa nêu chất vấn.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết có tình trạng trong thi hành án dân sự, tuy đã được thực hiện đấu giá, nhưng chưa giao được tài sản.
Bộ trưởng Long dẫn số liệu thống kê cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2023, trong thi hành án dân sự có gần 2.000 vụ đấu giá, trong đó mới chỉ giao được hơn 1.300, còn hơn 600 vụ chưa giao được.
"Có những vụ bán đấu giá đến 6 lần nhưng không ai mua", ông Long nói và cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Theo ông Long, thực tế, tình hình kinh tế xã hội cả nước trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng. Cùng đó, trình tự thủ tục đấu giá hiện hành chưa có quy định đặc thù cho tài sản thi hành án dân sự.
"Bộ cũng đã có kiến nghị sửa đổi trong luật Đấu giá tài sản và sắp tới là luật Thi hành án dân sự", ông Long nói. "Một nguyên nhân nữa là tâm lý e ngại khi mua tài sản thi hành án của người dân".
"Đấu giá trực tuyến tài sản công giờ mới tính tới"
Cũng liên quan tới đấu giá tài sản, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cũng chất vấn Bộ trưởng Lê Thành Long về trách nhiệm và giải pháp cho các hạn chế trong hoạt động đấu giá tài sản, nhất là vi phạm của đấu giá viên.
Bộ trưởng Tư pháp thừa nhận: tình trạng thông đồng dìm giá, quân xanh quân đỏ là có, song chỉ là ngoại lệ. Nhiều vi phạm cũng đã được xử lý. Trong 5 năm 2018 - 2022 có 142 cuộc thanh tra đấu giá tài sản, phạt vi phạm gần 2 tỉ đồng, cũng có một số trường hợp chuyển cơ quan điều tra, truy tố đấu giá viên như ở H.Đông Anh, Hà Nội.
Về giải pháp, Bộ trưởng Tư pháp sẽ định hướng sửa luật Đấu giá theo hướng siết chặt một số quy định về điều kiện tham gia đấu giá để tránh thông đồng, dìm giá; tăng cường năng lực, chuyên nghiệp hóa đội ngũ đấu giá viên,…
Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam) cũng chất vấn Bộ trưởng Tư pháp về giải pháp đấu giá trực tuyến để tránh tình trạng thông đồng, dìm giá.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nhìn nhận, đây là giải pháp tốt để phần nào ngăn chặn thông đồng, dìm giá, không công khai, minh bạch.
Về tài sản tư, ông Long cho biết một số tổ chức đấu giá tài sản tư có trang đấu giá riêng nhưng đấu giá tài sản công giờ mới tính tới. "Cơ quan quản lý đang nghĩ đến xây dựng cổng đấu giá trực tuyến nhưng kinh phí, cơ chế quản lý, chịu trách nhiệm… đang gặp khó", ông Long nói.
Dẫn bài học từ Hàn Quốc, ông Long cho biết Bộ Tư pháp đang nghiên cứu mô hình giao cho một công ty đấu giá xây dựng và vận hành một trang thông tin điện tử về đấu giá.
Bình luận (0)