Sáng kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel về thành lập quỹ tài chính 500 tỉ euro được EU bảo lãnh chung để trợ giúp các thành viên ứng phó với Covid-19 đang làm cho tình trạng phân rẽ trong nội bộ EU trở nên sâu sắc hơn. Việc giúp thành viên gặp khó, đặc biệt về tài chính, thực chất là trách nhiệm và sứ mệnh của EU, thể hiện sự đoàn kết và gắn kết giữa các thành viên.
Nhưng không lâu sau, lãnh đạo 4 thành viên EU khác gồm Áo, Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển đã nhất trí đưa ra cái gọi là “phản đề nghị”. Bộ tứ này không phản đối EU giúp đỡ các thành viên ứng phó Covid-19 và dần thoát ra khỏi thách thức từ dịch bệnh trên mọi phương diện, đặc biệt về tài chính, nhưng đối nghịch hoàn toàn với lãnh đạo Pháp, Đức về định hướng và nguyên tắc của hành động cứu trợ.
Trong sáng kiến mới nói trên, Đức - Pháp chủ trương EU bảo lãnh tài chính cho những khoản trợ cấp cho các thành viên chứ không phải cấp phát tín dụng hay cho vay, tức là các thành viên có thể có nguồn tài chính mới để chi tiêu trong thời dịch và EU coi đó là khoản nợ chung của khối. Trong khi đó, bộ tứ lại chỉ đồng ý cho vay và phải trả nợ chứ không trợ cấp mà không hoàn trả, đồng thời phản đối “liên minh hóa các khoản nợ của thành viên”. Họ muốn tất cả phải có ý thức tiết kiệm chi tiêu chứ không chấp nhận để cho thành viên tùy ý tiêu tiền chung. Đằng sau cuộc đấu giữa bộ tứ và cặp đôi này là cuộc ganh đua về vai trò và ảnh hưởng nhằm chi phối định hướng chính sách chung và tương lai của EU.
Bình luận (0)