Bộ và hiệp hội bất đồng về quy chuẩn môi trường ngành thủy sản

17/04/2018 12:59 GMT+7

Nhiều kiến nghị sửa quy chuẩn môi trường tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành thủy sản không được Bộ TN-MT tán thành vì không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế.

Sáng nay, 17.4, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT đã có buổi làm việc để tháo gỡ những bất cập trong quy chuẩn môi trường đang gây khó khăn doanh nghiệp ngành thủy sản.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng chỉ tiêu về phốt pho và ni tơ trong QCVN 11:2015 đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, về chỉ tiêu phốt pho, theo ông Nam, hầu hết các doanh nghiệp đều sử dụng phụ gia này trong quá trình sản xuất chế biến thủy sản nên lượng phốt pho trong nước thải tăng lên. Tuy nhiên, với các công nghệ xử lý nước thải của doanh nghiệp hiện nay, nồng độ phốt pho sau khi xử lý vẫn cao hơn yêu cầu từ 20 - 30 mg/l.

Trong khi đó, các nước gần Việt Nam như Indonesia, Malaysia, Thái Lan cũng đang không quy định về chỉ tiêu phốt pho trong nước thải công nghiệp. Vì vậy, đại diện VASEP kiến nghị bỏ tiêu chuẩn này ra khỏi QCVN 11:2015.

Đối với chỉ tiêu ni tơ, theo ông Nam, công nghệ xử lý ni tơ và Amoni hiện chỉ có duy nhất bằng phương pháp sinh học, khi hệ vi sinh ở trạng thái trung bình và yếu nên không đạt được yêu cầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến thủy sản đa phần hiện nay có quy mô vừa, nhỏ chủ yếu là sơ chế và lượng nước thải thì không quá lớn, mà đòi hỏi đáp ứng quy chuẩn môi trường quá cao.

Trước các kiến nghị này, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, dù thông cảm với ngành thủy sản trước áp lực giảm chi phí để cạnh tranh, xuất khẩu, nhưng quan điểm là không đánh đổi lợi ích kinh tế mà hy sinh môi trường. Các quy chuẩn Việt Nam được xây dựng đảm bảo tuân thủ pháp lý thì doanh nghiệp phải tuân thủ để bảo vệ môi trường chung.

Ông Nhân khẳng định, trên cơ sở tham vấn ý kiến nhiều nhà khoa học, Bộ TN-MT quyết định giữ nguyên chỉ tiêu ni tơ và phốt pho trong quy chuẩn Việt Nam. Trong thực tiễn, các chất này liên quan đến hiện tượng phú dưỡng tại các lưu vực sông gây cá chết hàng loạt như từng xảy ra trong những năm vừa qua. “Các chỉ tiêu này sẽ vẫn được giữ nguyên trong quy chuẩn Việt Nam nhưng sẽ nới lộ trình để các doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi dây chuyền công nghệ”, ông Nhân nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.