Đến nay, Nguyễn Hoàng Quân (24 tuổi), đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận VILM (TP.HCM), đã cho ra đời 3 mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) với hơn trăm ngàn lượt tải mỗi tháng và hoàn toàn miễn phí dành cho người Việt.
Một năm ra mắt 3 sản phẩm về AI
Học tập tại Mỹ hơn 7 năm, Nguyễn Hoàng Quân có cơ hội làm việc tại Công ty OpenAI (Mỹ) với vai trò kỹ sư nghiên cứu cho mô hình trí tuệ nhân tạo ChatGPT dù chưa tốt nghiệp đại học. Sau khi về Việt Nam năm 2022, anh tiếp tục làm kỹ sư dữ liệu cho sản phẩm Bing Chat của Microsoft và OpenAI với mức thu nhập 5.000 USD/tháng (hơn 120 triệu đồng). Tuy nhiên, chàng trai này lại quyết định nghỉ việc để về xây dựng một tổ chức hỗ trợ người Việt làm công nghệ miễn phí.
"Người Việt rất giỏi về AI, cả ChatGPT cũng có nhân lực tham gia nghiên cứu, nhưng việc để bắt kịp làn sóng công nghệ luôn thay đổi hiện tại lại không thể sánh bằng so với thế giới. Do đó, mình muốn thành lập 1 tổ chức chuyên nghiên cứu các mô hình AI miễn phí nhằm hỗ trợ người Việt làm công nghệ", Quân cho hay.
Tháng 6.2023, Quân đồng sáng lập VILM, chỉ trong thời gian ngắn đã cho ra mắt nhiều mô hình trí tuệ nhân tạo hỏi đáp miễn phí, bao gồm: Vietcuna, VinaLlama, OpenHermes-2.5 và OpenHermes-2.5-Vision.
"Mô hình trí tuệ nhân tạo hỏi đáp Vietcuna sau khi ra mắt vào tháng 6.2023 đã đạt 27.000 lượt tải xuống. VinaLlama khi vừa mới được sáng tạo vào tháng 12.2023, chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ đã nhận được hơn 35.000 tin nhắn hỏi đáp của người dùng. Còn OpenHermes-2.5 và OpenHermes-2.5-Vision có khả năng trả lời tương tự ChatGPT, được ứng dụng vào lĩnh vực nghiên cứu robot", Quân chia sẻ.
Cũng theo Quân, hiện tại các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tải VinaLlama để làm trợ lý ảo chăm sóc khách hàng. OpenHermes-2.5 và OpenHermes-2.5-Vision đang được hơn 40 nhà khởi nghiệp tại Silicon Valley (Mỹ) sử dụng. Sắp tới, Quân sẽ cho ra mắt bộ hướng dẫn mô hình ngôn ngữ VinaLlama để người dùng có thể sử dụng miễn phí.
Quân cho biết: "Mình làm các sản phẩm này chủ yếu hướng về cộng đồng, mong muốn hỗ trợ mọi người tiếp cận sự hiện đại và chất lượng không thua kém gì ChatGPT, Bing Chat. Từ đó, việc nghiên cứu, sáng tạo các mô hình AI sau này có thể đơn giản hơn", Quân nói.
Dám thử những điều mới
Nói về vấn đề khởi nghiệp với công nghệ AI, Quân cho biết khó khăn lớn nhất đến từ việc thuyết phục nhà đầu tư để xin tài trợ và sử dụng vật tư. "Khi mình đem bảng thuyết trình VinaLlama đến nhà đầu tư, họ rất hoài nghi về sự thành công của mô hình. Do đó, mình đã đánh cược tự chi tiền túi để làm 1 phiên bản thử nghiệm đưa ra thị trường, khi sản phẩm được đón nhận thì nhà đầu tư mới yên tâm rót vốn", Quân kể.
Là người làm việc với Hoàng Quân, Phạm Nhật Huy (22 tuổi), kỹ sư trí tuệ nhân tạo tại Zalo, chia sẻ: "Anh Quân có thời gian ở Mỹ khá dài, tính cách cởi mở, nắm bắt được những công nghệ mới nên rất thích chia sẻ hiểu biết của mình đến mọi người. Khi làm các mô hình ngôn ngữ trí tuệ nhân tạo, anh Quân rất tận tâm trong công việc, chăm chỉ nên những thành quả và sự đón nhận từ cộng đồng hiện tại là rất xứng đáng".
Với tinh thần cầu tiến và làm việc chăm chỉ, những sản phẩm công nghệ của Quân nhận được nhiều sự quan tâm, đầu tư đến từ các tập đoàn nổi tiếng trên thế giới, như: Microsoft, Google và Stability AI.
"Lúc về Việt Nam khởi nghiệp, có nhiều người hỏi mình sao lại từ bỏ công việc khi đang có cơ hội phát triển tại Mỹ. Nhưng mình nghĩ Việt Nam đang trên đà phát triển về lĩnh vực công nghệ và có nhiều quỹ đầu tư quốc tế đổ vào, sẽ tạo điều kiện khởi nghiệp thành công rất lớn. Do đó, mức thu nhập ngàn đô hoàn toàn có thể kiếm lại được, nên mình không hối hận về quyết định của bản thân", Quân bày tỏ.
Quân cũng nhắn gửi: "Người Việt thật sự rất giỏi trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ thông tin, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt, hiện nay có rất nhiều nhà khởi nghiệp đang phát triển chatbot hoặc mô hình ngôn ngữ. Tuy nhiên, người trẻ còn vấp phải vấn đề về giao tiếp, thu thập thông tin khá thụ động nên cần tìm hiểu nắm bắt xu hướng và dám thử những điều mới thì phần thưởng nhận lại sẽ rất xứng đáng".
Bình luận (0)