Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo, nếu không chủ động giám sát và kiểm soát kịp thời dịch cúm gia cầm thì nguy cơ lây nhiễm sang người là rất cao.
Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Thanh Dương vừa có công văn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc T.Ư tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh đông xuân.
Lo ngại nhiều dịch bệnh bùng phát
Trong công văn chỉ đạo, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh cần tham mưu cho UBND tỉnh tập trung triển khai hoạt động phòng chống dịch trong mùa đông xuân vào các bệnh tay chân miệng (TCM), viêm màng não do não mô cầu, tiêu chảy do virus Rota, sốt xuất huyết, cúm A/H5N1; cúm A/H1N1. Đây là những bệnh có nguy cơ bùng phát lớn, nhất là trong điều kiện khí hậu lạnh như hiện nay.
|
Theo báo cáo giám sát của các địa phương, trong năm 2011, cả nước đã ghi nhận 112.370 trường hợp mắc bệnh TCM, 169 trường hợp tử vong; 70.999 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 61 trường hợp tử vong; 305 trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu, 4 ca tử vong; 4.745 người mắc sởi; 760 người mắc thương hàn. Một số bệnh dịch lây truyền qua đường hô hấp, tiêu chảy khác như cúm, tiêu chảy do Rota virus có nguy cơ bùng phát nếu không chủ động giám sát và kiểm soát kịp thời.
Đáng quan ngại là, trong năm 2011, dịch cúm gia cầm vẫn tiếp tục ghi nhận tại các tỉnh thành nước ta. Đầu năm 2012, ca nhiễm cúm gia cầm (A/H5N1) đầu tiên trong năm tại Kiên Giang cũng đã tử vong, tiềm ẩn nguy cơ bệnh bùng phát do số lượng gia cầm rất có thể đã bị phát tán, di chuyển nhiều nơi; tỷ lệ người lành mang mầm bệnh cao…
Cục Y tế dự phòng nhắc nhở Sở Y tế các tỉnh tăng cường giám sát dịch tễ tại các khu vực có ổ dịch cũ, đặc biệt là ổ dịch cúm, TCM, tả, sởi, Rubella và viêm màng não do não mô cầu để chẩn đoán phát hiện sớm, cách ly điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế số mắc và tử vong. Các đội chống dịch cơ động sẵn sàng triển khai nhiệm vụ; chuẩn bị đủ thuốc, phương tiện cấp cứu bệnh nhân…
Đối với các địa phương có cửa khẩu biên giới cần tăng cường kiểm dịch y tế biên giới, kiểm tra chặt chẽ khách nhập cảnh đến từ vùng dịch, vùng có ổ dịch cũ, phối hợp cách ly điều trị không để dịch lây lan, xâm nhập vào VN. Kiểm tra chặt chẽ, giám sát gia cầm, thực phẩm nhập khẩu và vận chuyển qua biên giới….
Mùa lễ hội: Coi chừng nhiễm bệnh
Mùa lễ hội mỗi dịp tết đến xuân về thường là nơi tụ tập đông đảo người dân tham gia. Đây chính là điều kiện khiến phát tán nhiều dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng dân cư. Người dân cần chú ý bảo vệ bằng cách thường xuyên đeo khẩu trang phòng bệnh; quan sát khu vực bày bán đồ ăn thức uống, nhãn mác bao bì ghi thời gian sử dụng sản phẩm; ăn chín uống sôi….
|
Thời tiết đông xuân lạnh là một trong những điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển, xảy ra dịch trên gia cầm dẫn đến lây sang người dễ dàng. Vì vậy, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương.
Ngoài ra, không vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, vệ sinh môi trường. Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến cúm gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.
Thêm nạn nhân chết vì cúm gia cầm
Theo TTXVN, hãng thông tấn AFP dẫn nguồn tin từ Tân Hoa Xã ngày 22.1 cho biết: Một người đàn ông bị nhiễm cúm gia cầm sống tại tỉnh Quý Châu, miền Nam Trung Quốc, đã tử vong. Đây là ca tử vong thứ hai do cúm gia cầm tại quốc gia này trong chưa đầy một tháng.
Nạn nhân 39 tuổi nói trên bắt đầu bị ốm ngày 6.1 và nhập viện ở Quý Dương, thủ phủ tỉnh Quý Châu. Sau khi nhập viện tình trạng của anh xấu đi nhanh chóng. Các xét nghiệm sau đó cho thấy nạn nhân đã nhiễm virus cúm H5N1.
Trong một tuyên bố, Sở Y tế Hong Kong cho biết đã được nhà chức trách y tế thông báo về vụ việc này và nạn nhân không hề có tiếp xúc rõ ràng nào với gia cầm trước khi nhiễm bệnh. Trước đó, ngày 31.12, một lái xe buýt sống ở tỉnh Quảng Đông đã tử vong vì căn bệnh chết người này.
Theo Lao Động
Bình luận (0)