Cao tuyệt đối so với nhiều nước
Theo TS Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng (Cục Quản lý cạnh tranh), để xác minh thông tin có hay không chuyện giá sữa VN cao nhất thế giới, Cục đã khảo sát mặt hàng sữa bột nguyên hộp nhập khẩu tại các siêu thị và cửa hàng bán lẻ tại VN với sự hợp tác của thương vụ tại một số nước trên thế giới. Sau khi thu thập giá 100 loại sữa khác nhau thuộc 10 hãng sữa, do tên gọi không đồng nhất và có loại ở VN ít được bày bán ở các nước nên Cục chỉ chọn ra 20 loại sữa. Các loại sữa này thuộc 7 hãng sữa lớn (Abbott, Mead Johnson, Nestle, Dumex, Friso, XO, Dutch Lady) nhập khẩu vào các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Hàn Quốc và VN.
Kết quả cho thấy, giá sữa của VN vào hàng cao nhất. Sữa Ensure Gold, Pedia Sure (của Abbott) nhập khẩu từ Mỹ, giá ở VN cao hơn ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia 20 - 30%. Sữa Enfa Grow, Enfakid, Enfa Mama... (của Mead Johnson) nhập khẩu từ Mỹ, tại VN cũng cao hơn Thái Lan từ 20 - 70%. Sữa của Nestle nhập khẩu từ nhiều nước vào VN bán cao hơn Thái Lan, Indonesia, Malaysia từ 10 - 65%. Friso nhập khẩu từ Hà Lan, tại VN giá bán cao hơn so với Malaysia, Singapore từ 10 - 60%.
Cá biệt có sữa Dugro 1, 2, 3 của hãng Dumex tại VN cao hơn các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia từ 130 - 220%. Với dòng sữa XO, nhóm nghiên cứu không thu thập được hết các chủng loại XO như bán ở Hàn Quốc nhưng giá của XO hương vani tại VN cũng cao hơn khoảng 26 - 30% giá bán ở Hàn Quốc.
Vừa thất thu thuế, vừa thiệt người tiêu dùng
Bà Nga phân tích: “Thuế suất trung bình đối với sữa bột nguyên liệu và nguyên hộp nhập khẩu vào VN không quá 10% và vẫn còn thấp hơn nhiều so với thuế nhập khẩu vào Thái Lan (thuế nhập khẩu mặt hàng này vào Thái Lan dao động 9 - 40%, tùy thuộc vào mã hàng và xuất xứ). Tuy nhiên, giá hầu hết các mặt hàng sữa bột tại VN cao hơn ở Thái từ 20 - 60%, có trường hợp còn cao hơn 100%. Đây là điều rất bất hợp lý. Đối với các nước Indonesia, Malaysia, thuế nhập khẩu thấp hơn so với VN (dao động từ 0 - 5%). Nếu giá ở VN có đắt hơn cũng chỉ khoảng từ 0 - 10%. Tuy nhiên, trên thực tế giá ở VN cao hơn từ 25 - 30%, có trường hợp cao hơn 200%”.
Lý giải của một số hãng sữa rằng giá sữa nhập khẩu tăng cao vì sự tăng lên của tỷ giá, theo bà Nga, là không hợp lý vì mức tăng tỷ giá hối đoái chỉ từ 6 - 8%, không thể biện hộ cho giá bán lẻ sữa nhập khẩu cao như hiện nay.
Tại hội thảo, ông Vương Trí Dũng (Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) cũng thông tin về kết quả kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa trên địa bàn Hà Nội. Ông Dũng cho hay, hầu hết các loại sữa bột nhập khẩu đều có chênh lệch giá mua và giá bán lẻ rất cao. Đơn cử như: Enfa Grow A+ (của Mead Johnson) loại 900g chênh lệch 242%; Dugro Gold loại 800g (Dumex) chênh lệch 285%; Gain, Pedia Sure, Ensure... (Abbott) loại 400g chênh lệch từ 220 - 246%...
Ông Dũng nhận định: “Không phải mọi loại sữa nhập khẩu cao đều bán giá cao. Vấn đề ở đây là cần xem xét kỹ thực tiễn phần chênh lệch giữa giá nhập và giá bán lẻ. Không ngoại trừ vấn đề hạ thấp giá nhập khẩu khi tính thuế nhằm gian lận thuế nhập khẩu và thuế thu nhập doanh nghiệp. Giữa nhà nhập khẩu với công ty xuất khẩu có sự thỏa thuận gửi giá, hạ giá nhập khẩu”.
Theo ông Dũng, giá sữa cao với chất lượng cao có thể chấp nhận do nhu cầu sử dụng. Nhưng, giá sữa cao do chênh lệch giá cao mà nhà nước không thu được thuế, người tiêu dùng bị mua giá cao và là nguồn cạnh tranh, quảng cáo quá mức thì phải xem xét để có sự can thiệp của cơ quan quản lý.
Tại hội thảo, ông Trần Đình Điển, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đề xuất: “Bộ Công thương cần chỉ đạo Cục Quản lý cạnh tranh xem xét hành vi liên kết độc quyền của các doanh nghiệp phân phối độc quyền từ những hãng sữa bột ngoại nhập. Với Bộ Y tế, cần tăng cường kiểm tra chất lượng sữa và công khai các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn về chất lượng. Về phía mình, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện theo dõi tình hình biến động giá sữa, thực hiện các biện pháp kiểm tra giám sát, xử lý các trường hợp tăng giá quá mức theo quy định của pháp luật”.
Quá phụ thuộc vào thị trường nước ngoài Nguyên nhân giá sữa trong nước tăng cao là do sản lượng sữa sản xuất từ nguồn nguyên liệu trong nước hiện chỉ đáp ứng được khoảng 28% nhu cầu (chủ yếu để phục vụ sản xuất sữa nước), 72% còn lại là nhập khẩu (trong đó 50% là nguyên liệu và 22% sữa thành phẩm). Đối với sữa bột thành phẩm sản xuất trong nước thì dùng nguyên liệu nhập khẩu 100%. Với cơ cấu sản xuất trong nước và nhập khẩu đối với mặt hàng sữa như trên, thị trường sữa Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào thị trường nước ngoài từ số lượng, chủng loại mặt hàng, giá cả, đến phương thức mua bán. Giá sữa trong nước thời gian qua ở mức cao là do mặt hàng sữa bột ngoại nhập thành phẩm. So với sữa bột sản xuất trong nước, sữa bột ngoại nhập thành phẩm giá cao hơn gần 2 - 3 lần. (Ông Trần Đình Điển, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính) Nghịch lý về cạnh tranh Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hiện nay trên thị trường Việt Nam có trên 200 doanh nghiệp nhập khẩu sữa nguyên liệu và sữa thành phẩm. Đây là số lượng không nhỏ để tạo ra một thị trường cạnh tranh trong ngành sữa. Tuy nhiên, giá sữa bột nhập khẩu ở nước ta lại có xu hướng tăng liên tục từ 2007 đến nay. Đây có thể là một nghịch lý như dư luận đã lên tiếng trong thời gian qua. (Bà Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh) Cuộc điều tra vẫn còn tiếp tục Đây mới chỉ là kết quả khảo sát bước đầu. Cục Quản lý cạnh tranh sẽ tiếp tục thu thập, tổng hợp các ý kiến để nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này. Chúng tôi khẳng định giá sữa VN cao so với một số nước đang phát triển, nhưng yếu tố giá rất phức tạp nên cần nghiên cứu sâu hơn. Cần có sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan để đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh sữa. (Ông Đào Quang Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương) Hưng Bình - Thu Hằng (ghi) |
Có liên kết làm giá hay không? Tại hội thảo, bà Phạm Thanh Tuyên, đại diện CLB tiêu dùng nữ Việt Nam nêu một trong những lý do khiến giá sữa cao là chi phí quảng cáo quá lớn: “Các hãng sữa đua nhau quảng cáo trên truyền hình khiến người tiêu dùng “bội thực” và mệt mỏi. Nhiều chương trình quảng cáo phi lý, quá sức tưởng tượng và khôi hài...”. Đồng tình với ý kiến này, ông Vương Trí Dũng nói, doanh nghiệp có quyền công bố chất lượng hàng hóa do mình sản xuất hoặc phân phối. Vấn đề là việc công bố đó phải phản ánh đúng thực tế chất lượng hàng hóa, không được nêu quá công dụng hàng hóa. Ông Dũng góp ý: “Các cơ quan quản lý chất lượng, cơ quan y tế góp phần minh bạch trên truyền thông để người tiêu dùng dễ biết, ngoài việc xác nhận công bố chất lượng còn phải có trách nhiệm giúp người tiêu dùng thấy được các chất trong sữa có tác dụng gì? Có cần cho trẻ con không? Có thể bổ sung các chất đó ngoài sữa như thế nào?... Minh bạch những vấn đề này giúp người tiêu dùng có giải pháp lựa chọn và để doanh nghiệp không có cơ hội quảng cáo quá mức về các chất bổ sung vào sữa bột, làm mê hoặc người tiêu dùng, làm cơ sở tăng giá liên tục”. Cũng theo ông Vương Trí Dũng, Luật Cạnh tranh của VN chưa đầy đủ và thiếu tương thích với quốc tế. Trong lĩnh vực quảng cáo và cạnh tranh, các hãng sữa không từ thủ đoạn nào. Từ tài trợ các trò chơi trên truyền hình, mua hàng có thưởng đến quảng cáo dùng sữa nên trẻ mới thông minh, thần đồng... để tạo ra một “văn hóa dùng sữa ngoại”. Không những thế, các hãng sữa còn chia sẻ hoa hồng trực tiếp đến người mua, đặc biệt những người quyết định sử dụng loại sữa nào tại các nhà trẻ, trường tiểu học; đến các bác sĩ, điều dưỡng viên, y tá tại bệnh viện... Chi phí đẩy này cũng là nguyên nhân gây chênh lệch giá cao và cũng là hình thức cạnh tranh không lành mạnh. Ông Dũng kiến nghị: “Cục Quản lý cạnh tranh xem xét, kiến nghị chỉnh sửa bổ sung các vấn đề liên quan đến quảng cáo. Cần điều tra việc quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh. Đồng thời phải xem xét có việc độc quyền liên kết làm giá hay không của doanh nghiệp nước ngoài". Hưng Bình |
Thu Hằng
Bình luận (0)