Boeing không sợ thiệt hại khi Mỹ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran

Thu Thảo
Thu Thảo
10/05/2018 09:27 GMT+7

Boeing sắp mất hàng tỉ USD doanh số vì các biện pháp trừng phạt lên Iran mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố.

Theo CNN, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin vừa nói với báo giới rằng các giấy phép cho Boeing và Airbus xuất khẩu máy bay thương mại và các bộ phận có liên quan đến Iran sẽ bị thu hồi sau 90 ngày. Boeing không có ý định cố gắng vượt thời hạn này, và hãng sẵn sàng chịu tác động.
Doanh số và lợi nhuận tại hãng sản xuất máy bay Mỹ là rất mạnh. Công ty có nhiều đơn hàng tồn kho đến gần 6.000 máy bay thương mại trị giá 486 tỉ USD. Con số này không gồm 110 chiếc máy bay mà Iran đã đặt.
Thực tế, Boeing đã chuẩn bị tinh thần hãm phanh doanh số Iran từ trước thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông Trump vừa cho hay Mỹ đang rút khỏi thỏa thuận nhằm hạn chế chương trình vũ khí hạt nhân của Iran và khôi phục các lệnh trừng phạt lên nước này.
CEO Boeing Dennis Muilenburg nói với các nhà đầu tư hồi tháng trước rằng Boeing sẽ lùi kế hoạch giao nhiều chiếc Boeing 777 mà ban đầu họ lên kế hoạch là giao cho Iran. “Chúng tôi tiếp tục đi theo sự dẫn dắt của chính phủ Mỹ”, CEO Boeing cho hay.
Ông Muilenburg cũng nói rằng sẽ không vấn đề gì nếu các đơn hàng của Iran bị hủy bỏ vĩnh viễn vì kế hoạch sản xuất hiện thời của hãng không phụ thuộc vào việc bán hàng cho Iran. Nếu quan hệ Mỹ - Iran cải thiện và doanh số quay trở lại, đây sẽ là phần thưởng dành cho Boeing.
Boeing có thỏa thuận bán 80 chiếc máy bay cho Iran Air và thêm 30 chiếc máy bay khác cho Iran Aseman Airlines. Hãng ước tính giá hai đơn hàng là 19 tỉ USD, dù giới chức Iran thì thông tin bảng giá thực là khoảng 10 tỉ USD.
Một trong những ưu đãi lớn nhất mà Iran hưởng sau khi đạt thỏa thuận chấm dứt các lệnh trừng phạt mà Mỹ và châu Âu áp đặt lên nước này là việc được tiếp cận với máy bay thương mại và bộ phận thay thế cho các tàu bay hiện hành. Máy bay được Iran Air và các hãng bay khác nước này dùng thuộc hàng lâu đời nhất. Giới chức Iran từng cho hay họ muốn mua khoảng 500 máy bay thương mại trong những năm tới, và khôi phục tuyến bay thẳng đến Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran, vốn cho phép quốc gia Trung Đông được dỡ lệnh trừng phạt. Vì vậy các nhà đầu tư có rất nhiều lý do để nghi ngờ về các thỏa thuận với Iran của Boeing sẽ được hoàn tất.
Dù gặp khó khăn trong việc bán hàng, cổ phiếu Boeing vẫn tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm ngoái, cổ phiếu hãng thể hiện tốt nhất chỉ số Dow, tăng gần gấp đôi giá trị. Cổ phiếu Boeing là một trong các cổ phiếu thể hiện tốt nhất trong chỉ số blue chip, tăng 15% từ đầu năm đến nay.
Boeing và đối thủ châu Âu Airbus gần như độc quyền trong việc bán máy bay thương mại trên toàn cầu. Hai hãng chiếm gần như toàn bộ máy bay thương mại chở khách. Airbus có thỏa thuận bán hơn 100 máy bay cho Iran. Song dù các nước châu Âu không áp đặt thỏa thuận lên Iran, số máy bay mà Airbus sẽ bán cho nước này cũng có thể bị chặn bởi lệnh trừng phạt của Mỹ vì công ty có nhà máy ở Mỹ và sử dụng các bộ phận “made in the USA”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.