BÀI: Thúy Vân
BS.CKI. Trần Tuấn Anh - Viện Y dược học Dân tộc TP.HCM cho rằng 3 món ăn dưới đây rất tốt để điều trị chứng âm hư thận yếu.
Hến dùng để cải thiện âm hư
Ít ai biết rằng dù hến là loại thức ăn rẻ tiền nhưng lại chứa rất nhiều dưỡng cất có công dụng bồi bổ cơ thể. Y học hiện đại phân tích: ngoài protein, mỡ, đường, muối vô cơ, vitamin A, vitamin B2, i ốt, hến còn dồi dào hàm lượng kẽm – một trong những chất cần thiết hỗ trợ sinh dục và tăng chất lượng tinh trùng. Lượng kẽm có trong cơ thể nhiều hay ít ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ sinh hoạt tình dục, sinh lực và khả năng duy trì nòi giống ở nam giới. Nếu lượng kẽm không được đảm bảo thì số lượng tinh trùng giảm từ 40 - 50%, có thể làm mất khả năng sinh sản.
Đông y phân tích hến có tính bình, vị ngọt mặn, có công dụng tư âm bổ thận. Ngoài công dụng là một bài thuốc bổ thận âm, hến còn có khả năng chữa được chứng đái đường. Thường xuyên thêm hến vào thực đơn hằng ngày sẽ giúp cải thiện chứng âm hư nhanh chóng.
Bạn có thể chế biến hến với nhiều món khác nhau:
Các món ăn với hến như canh hến nấu chua, hến xào ăn với bánh tránh, cơm hến trộn, hến xào lá hẹ… đều thơm ngon và “đưa” cơm. Riêng món hến xào lá hẹ có thể xem như một vị thuốc hay có thể chữa dương nuy, ít tinh. Để chế biến món hến xào lá hẹ, bạn cần: Thịt hến 300g, lá hẹ 100g, dầu ăn 50ml, gia vị vừa đủ. Hến luộc, lấy phần thịt, lá hẹ rửa sạch thái khúc. Đổ dầu vào chảo, đun nóng, cho hến vào, thêm gia vị, xào cho săn, cho lá hẹ vào, đảo đều với hến khoảng 5 phút, bắc ra ăn nóng.
Củ cải xào chim cút bổ thận khí
Y văn xếp chim cút vào thương phẩm mệnh danh là “Sâm động vật” bởi thành phần dinh dưỡng của thịt chim cút cao hơn các gia súc, gia cầm khác đến 10 lần, trong đó chất béo lại thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, món ăn này phải biết dùng mới tăng được hiệu quả. Theo đông y, chim cút vị ngọt tính bình, có tác dụng bổ ngũ tạng, lợi cửu khiếu, ích trung khí, mạnh gân cốt. Dùng cho các đối tượng suy nhược thần kinh và thể lực, trẻ em suy dinh dưỡng, người già lú lẫn, phụ nữ có thai và cho con bú, người mới ốm dậy cần lấy lại sức, người lao động vất vả chân tay và trí óc. Bài thuốc Củ cải xào chim cút bổ thận khí với tác dụng bổ thận khí, chữa lưng đau, đầu gối mỏi, người suy yếu.
Cách chế biến món ăn rất đơn giản:
Lấy chim cút 2 con làm sạch lông bỏ nội tạng, thái miếng nhỏ, xào nóng khoảng 15 phút, sau đó cho 200g củ cải thái sợi vào xào. Khi thịt chín thêm bột gia vị, gừng sợi và dầu ăn, 1 thìa rượu trắng. Ăn với cơm trắng rất ngon miệng.
đUôi heo hầm đậu đen bồi bổ cơ thể
Không phải là bây giờ, mà từ rất xa xưa, người ta đã biết dùng món đuôi heo hầm với đậu đen để dâng lên vua chúa nhằm tăng khả năng chiến đấu cho cả hai phái. Đông y cho rằng nước đậu đen có thể bổ thận, giải được độc của các dược liệu bổ thận. Vị thuốc này rất hiệu nghiệm với những người có triệu chứng thận yếu như đau mỏi lưng gối, đau âm ỉ trong xương, răng khô, tóc rụng, xuất tinh sớm, di mộng tinh, hay quên, khó ngủ... Nam giới muốn bổ dương, dưỡng thận nên thường xuyên dùng món Đuôi heo hầm đậu đen.
Cách thực hiện món ăn đơn giản:
Đuôi heo mua về làm sạch, cắt khúc, ướp với một ít muối, bột ngọt, tiêu, hành củ khô; để khoảng 15 phút cho vị thịt ngấm mặn mà, ngon miệng. Đậu ngâm nước vài giờ cho nở, dễ mềm nhừ. Cho đuôi heo vào nồi đất, xen kẽ, cứ một lớp thịt thì đến một lớp đậu. Đổ nước xâm xấp mặt, đậy nắp rồi hầm trên bếp, khoảng nửa giờ cho đậu và thịt mềm nhừ. Nhấc ra rắc thêm tiêu sống vào cho thơm.