Đây là đánh giá của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Ngọc Thịnh tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam diễn ra vào chiều nay, 14.10, tại Hà Nội.
Tham dự Đại hội có 500 đại biểu là cán bộ, công chức, viên chức tiêu biểu, đại diện cho hơn 1.400 tập thể và 20.000 công chức, viên chức, người lao động trong ngành BHXH trên khắp cả nước.
Công tác thi đua khen thưởng đi vào thực chất
Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu thi đua bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nhiệm vụ chính trị của ngành BHXH, việc tổ chức, triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng với nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ đã tạo cho phong trào thi đua và công tác khen thưởng một khí thế mới ngày càng đi vào thực chất, phát huy tác dụng, hiệu quả tạo chuyển biến tích cực với nhiều đổi mới trong tổ chức thực hiện. Hằng năm BHXH Việt Nam đều thực hiện vượt chỉ tiêu kế hoạch nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an sinh xã hội của đất nước”.
Hưởng ứng các phong trào thi đua (PTTĐ) do Thủ tướng Chính phủ phát động, trong đó, với PTTĐ “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, BHXH Việt Nam đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu về tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành trong 2 giai đoạn (2010 - 2015) và (2016 - 2020).
Với PTTĐ “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, quỹ khám chữa bệnh BHYT đã giúp cho nhiều người nghèo, cận nghèo vượt qua những căn bệnh hiểm nghèo không may mắc phải và trở lại với cuộc sống lao động, học tập, tiếp tục nỗ lực để thoát đói nghèo.
BHXH Việt Nam đã phát động PTTĐ với chủ đề “Xây dựng ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp" và chỉ đạo các đơn vị trong ngành BHXH tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử; hoàn thiện, nâng cấp các phần mềm nghiệp vụ của ngành; triển khai hệ thống thu nộp, chi trả điện tử BHXH; hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp với cơ quan BHXH… nhằm tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT cho người lao động.
|
Cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách BHXH, BHYT
Phát biểu tại đại hội, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao công tác TĐKT của ngành BHXH, qua các phong trào thi đua, đã có hàng trăm sáng kiến, giải pháp mới ứng dụng hoạt động nghiệp vụ hiệu quả, đồng thời cũng xuất hiện ngày càng nhiều các điển hình tiên tiến, những bông hoa đẹp trong vườn hoa thi đua toàn ngành. Bà Thịnh nhấn mạnh: “Công tác khen thưởng có nhiều đổi mới, bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng, đoàn kết, gắn với việc đánh giá, phân loại đơn vị và cá nhân; quan tâm khen thưởng tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp, vùng sâu, vùng xa. Trong 5 năm qua, BHXH Việt Nam đã đề nghị khen cấp Nhà nước cho gần 500 tập thể, cá nhân; khen thưởng xuyên cấp ngành cho gần 10.000 tập thể, cá nhân; cũng như khen chuyên đề, đột xuất; khen ngoài ngành cho hàng ngàn tập thể, cá nhân khác”.
Trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thu nhập của người lao động, theo Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho ngành BHXH cả trước mắt và lâu dài là rất nặng nề, nhưng đây cũng là sứ mệnh vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao. “BHXH Việt Nam cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách BHXH, BHYT để thực sự là những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ, hướng tới mục tiêu phát triển BHXH, BHYT toàn dân, các chế độ chính sách đối với người tham gia BHXH, BHYT, BHTN được thực hiện kịp thời, đúng quy định; quyền lợi của người tham gia ngày càng được nâng cao”, Phó chủ tịch nước gợi mở.
Về công tác thi đua khen thưởng, bà Thịnh lưu ý, cần khắc phục các mặt còn hạn chế, tồn tại thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu phải thật sự gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua để quần chúng noi theo. Công tác thi đua phải gắn với khen thưởng, kịp thời biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân xuất sắc. Qua phong trào thi đua, các cấp cần phát hiện đúng các điển hình tiên tiến, những nhân tố mới, cách làm hay… để bồi dưỡng và nhân rộng ra toàn ngành và xã hội.
86,4 triệu người tham gia BHXH, BHYT, BHTN
Tính đến 31.8.2020, số đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 86,4 triệu người (đạt 98,14% kế hoạch được giao). Số người tham gia BHYT đạt tỷ lệ bao phủ gần 90% dân số, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao.
Công tác chi trả và giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT được thực hiện kịp thời, đúng quy định; quyền lợi của người tham gia ngày càng được nâng cao. Năm 2015, toàn ngành đã giải quyết cho gần 8,1 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH thì đến năm 2019 con số này là 12,5 triệu lượt người (tăng 54%). Năm 2015 toàn ngành đã thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho 130 triệu lượt người và đến năm 2019 đã thanh toán cho 184 triệu lượt người (tăng 41%). Hiện nay, BHXH Việt Nam thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng cho khoảng 3,2 triệu người hưởng (trong đó có 2,6 triệu người nhận bằng tiền mặt và khoảng 600.000 người nhận qua tài khoản cá nhân).
Công tác cải cách thủ tục hành chính đã đạt được bước tiến quan trọng, số lượng thủ tục hành chính về BHXH, BHYT đã giảm từ 115 thủ tục (năm 2014) xuống còn 27 thủ tục (năm 2019). Nhiều thủ tục rút ngắn cả về thời gian giải quyết, số hồ sơ, giấy tờ trong hồ sơ, giấy tờ giảm nội dung phải kê khai.
|
Bình luận (0)