Bơi lội Úc - Trung Quốc khẩu chiến dữ dội ở Olympic Rio 2016

08/08/2016 11:40 GMT+7

Trong ngày siêu kình ngư Michael Phelps đoạt chiếc huy chương vàng (HCV) lịch sử thứ 19 nội dung tiếp sức 4x100m tự do thì vụ tranh cãi giữa bơi lội Úc và Trung Quốc thành tâm điểm đường đua xanh Olympic.

Đường đua xanh ở Olympic Rio 2016 đang thực sự “dậy sóng”. Qua 2 ngày thi đấu, trong lúc bơi lội Úc và Mỹ liên tiếp đoạt HCV, phá kỷ lục thế giới thì Trung Quốc, nước từng rất tự hào với thành tích không tưởng 4 năm trước (đoạt 5 HCV) ở kỳ Olympic London, đến giờ vẫn chưa có HCV và chỉ có mỗi huy chương bạc (HCB) của Sun Yang nội dung 400m tự do.

Thế nhưng đây là chiếc HCB thất bại. Sun Yang bị đối mà mình khiêu khích, kình ngư Mack Horton của Úc đánh bại và còn bị gọi là “kẻ gian dối, tên sử dụng doping”.

tin liên quan

Kình ngư xấu tính người Trung Quốc nếm trái đắng
Kình ngư kiêu ngạo người Trung Quốc Sun Yang đã phải nhận kết cục cay đắng khi để thua đối thủ mới 20 tuổi người Úc, Mack Horton trong đợt bơi chung kết nội dung 400m tự do sáng 7.8 (giờ VN).
Horton còn nói thẳng trong cuộc họp báo và kể lại sự vụ cuộc “đụng độ” với Sun Yang: “Anh ta (Sun Yang) gặp tôi, và cố tình muốn gây chuyện. Nhưng tôi không muốn nói chuyện với kẻ gian dối, một kẻ đã sử dụng doping”.

Lời bình luận thẳng thừng của Horton về kình ngư số 1 Trung Quốc, đã khiến dư luận nước này “nổi điên” và phản ứng dữ dội. Nhiều người còn vào tận trang cá nhân trên mạng xã hội Instagram của Horton xỉa xói và gọi kình ngư Úc là “kẻ thất bại”, “con rắn độc”…

Trên thực tế, Horton không sai. Sun Yang từng bị phát hiện sử dụng doping năm 2014, nhưng chỉ bị cấm thi đấu 3 tháng một cách mập mờ ở trong nước dưới sự bao che của ngành thể thao Trung Quốc, để rồi sau đó kình ngư này vẫn được dự kỳ Asian Games ở Incheon, Hàn Quốc và đoạt 3 HCV.

Dù phản ứng, và đòi kình ngư Úc xin lỗi, nhưng rõ ràng bơi lội Trung Quốc đến lúc này đã thất bại trên mọi phương diện. Báo chí thế giới cho rằng, thể thao Trung Quốc có đoạt bao nhiêu HCV ở Olympic Rio đi chăng nữa, mà không có HCV bơi lội thì coi như vẫn thất bại.

Đây cũng là sự trả giá cho sự mập mờ của bơi lội Trung Quốc từng gây sốc ở Olympic London 2012, như nữ kình ngư từng phá kỷ lục thế giới (KLTG) Ye Shiwen đến giờ mất hút.

Horton và Sun Yang sẽ còn đối đầu nhau ở cự ly 1500m tự do diễn ra ngày 12.8 tới để tiếp tục tranh tài cao thấp.

Kình ngư Katie Ledecky của Mỹ được mệnh danh là "Michael Phelps" nữ AFP

Ở diễn biến khác, sau 2 ngày thi đấu, đã có đến 5 KLTG mới được thiết lập. Đó là kình ngư Katinka Hosszu (Hungary) phá KLTG nội dung 400m cá nhân hỗn hợp, đội bơi tiếp sức Úc nội dung 4×100m tự do, kình ngư Thụy Điển, Sarah Sjostrom nội dung 100m bướm và Katie Ledecky (Mỹ) nội dung 400m tự do.

Bơi lội Mỹ cũng lấy lại vị trí độc tôn của mình nhờ 2 chiếc HCV của Katie Ledecky và đội bơi tiếp sức nam 4×100m tự do, trong đó như dự đoán siêu kình ngư Michael Phelps góp mặt ở đợt bơi chung kết sáng 8.8 và giúp đội nhà đánh bại đội Pháp rất mạnh.
Siêu kình ngư Michael Phelps đã có chiếc HCV thứ 19 trong sự nghiệp AFP
Hiện sau ngày thi đấu thứ 2 (8.8, giờ VN) bơi lội Mỹ dẫn đầu bảng tổng sắp với 2 HCV, 3 HCB và 3 huy chương đồng. Xếp kế tiếp là Úc có 2 HCV, và Liên hiệp Anh có 1 HCV của kình ngư Adam Peaty nội dung 100m ếch và phá KLTG. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.