Bối rối nhận xét thay cho điểm

30/09/2014 05:40 GMT+7

Đánh giá học sinh từ cho điểm sang nhận xét là một tiến bộ, bắt nhịp với cái mới. Thế nhưng, cách làm hiện nay khiến cả phụ huynh và giáo viên đều bối rối.

Bối rối nhận xét thay cho điểm
Giáo viên cần nhiều hướng dẫn khi thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Bắt đầu từ ngày 15.10, giáo viên bậc tiểu học trên cả nước sẽ áp dụng hình thức nhận xét, đánh giá thay vì cho điểm học sinh.

Giáo viên làm cho có

Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4, TP.HCM), cho biết khi áp dụng cách đánh giá này, công việc của giáo viên tăng lên rất nhiều. Giáo viên cho rằng sẽ không có đủ thời gian để ghi lời nhận xét cho học sinh. Tuy nhiên, cần phải thực hiện một thời gian xem thực tế ra sao. Bà Hà phân tích: “Mặc dù không bắt buộc sau một tiết phải nhận xét cả lớp, nhưng nếu không xem hết thì không nắm bắt được trình độ. Do vậy giáo viên lo lắng làm không nổi ngay cả đối với lớp thực hiện theo đúng điều lệ trường tiểu học là 35 học sinh/lớp. Còn những lớp vượt quá quy định lên đến 50 học sinh thì thực sự giáo viên rất khó bao quát để có nhận xét chính xác”.

Không chỉ là vấn đề thời gian, lãnh đạo một trường tiểu học tại TP.HCM cho rằng cái khó của giáo viên hiện nay là làm sao để có những lời phê đa dạng. “Không phải ngày nào cũng phê: em học tốt, em giỏi, em ngoan, em cần cố gắng được. Nhưng thật tình mà nói, trong thời gian qua, tôi đã kiểm tra quá trình đánh giá học sinh của giáo viên trường mình, có nhiều người chỉ dùng và phê một vài câu trong suốt quá trình dạy. Đó là chưa kể đến việc lời phê của giáo viên phê còn sai chính tả nữa. Giáo viên hiện nay cũng ngại với phương án này, vì không biết phụ huynh sẽ phản ứng ra sao trước lời phê của mình”, vị hiệu trưởng này cho biết. 

Để có được nhận xét chính xác và giúp phụ huynh nắm rõ thực lực của học sinh, nhiều giáo viên chấm bài nháp bằng điểm sau đó mới ghi nhận xét vào vở cho học sinh nên mất rất nhiều thời gian. Có giáo viên còn nói thẳng: “Bài kiểm tra nào phải nộp cho trường, cho phòng thì cô nhận xét còn những bài tập khác còn lại cô vẫn cho điểm như bình thường để khỏi mất thời gian”.

Để tránh việc làm theo kiểu đối phó, ông Trần Trọng Khiêm, Phó phòng GD Q.Tân Phú, cho biết: “Quận để cho giáo viên tự lựa chọn cách thức nhận xét nhưng dựa trên nguyên tắc là khuyến khích học sinh, giúp phụ huynh hiểu được sức học của con em họ. Qua thông tư này nâng cao trách nhiệm của giáo viên, giúp giáo viên thay đổi phương pháp giảng dạy, giúp tiết học chất lượng hơn”.

Phụ huynh chưa quen việc nhận xét

Theo Thông tư 30 quy định đánh giá học sinh tiểu học do Bộ GD-ĐT ban hành, tham gia đánh giá thường xuyên gồm: giáo viên, học sinh (tự đánh giá, góp ý bạn), khuyến khích sự tham gia của phụ huynh. Trong khi đó nhiều phụ huynh cho rằng không biết gì về chuyện này. 

Tiếp xúc với phóng viên Thanh Niên, phần lớn phụ huynh cho biết trong buổi họp phụ huynh đầu năm cô giáo chủ nhiệm chỉ thông báo cho phụ huynh không cho điểm mà chỉ đánh giá học sinh chứ hoàn toàn không thông tin hay hướng dẫn phụ huynh về việc cùng tham gia nhận xét cũng như cách thức nhận xét như thế nào.

Lãnh đạo một phòng giáo dục nhìn nhận: “Sự tham gia của phụ huynh là cần thiết nhưng thực sự không có cơ sở nào để cùng nhận xét. Thêm yếu tố nữa là thực tế sự tham gia của phụ huynh vào hoạt động trong nhà trường từ trước đến nay không nhiều. Lẽ ra cần có thời gian để chuẩn bị cho phụ huynh nắm bắt cách thức đánh giá con mình”.

Hiệu trưởng một trường tiểu học cho rằng lẽ ra phải để phụ huynh tiếp cận và nắm bắt thông tin một cách nhuần nhuyễn rồi mới áp dụng. Có như vậy thì mới tác động đến quá trình đổi mới dạy và học trong trường tiểu học.

Trước thực tế này, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng GD tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết kế hoạch của Sở sẽ tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên trước ngày 15.10. Sau khi được hướng dẫn và giải đáp những thắc mắc về quy định, trong quá trình thực hiện, giáo viên gặp khó khăn gì có thể trao đổi với lãnh đạo từng cấp. Ngoài ra, Sở cũng sẽ yêu cầu để các trường hướng dẫn cho phụ huynh cùng tham gia đánh giá học sinh một cách phù hợp và hiệu quả nhất.

Ý kiến

Thấy mơ hồ

“Với 2 mức nhận xét mà giáo viên thông báo là mặt cười và mặt buồn tôi thấy rất mơ hồ, khó lòng biết khả năng tiếp thu kiến thức của con mình”.

Một phụ huynh (Trường tiểu học Trần Bình Trọng, Q.5, TP.HCM)

Thiếu đồng bộ

“Tôi thấy rằng việc đánh giá học sinh lớp 5 cần phải xem xét lại. Vì quá trình học tập của các em không thể đánh giá điểm số bằng 2 kỳ kiểm tra (học kỳ 1, 2). Không thể cứ nhận xét cả năm còn kết quả học tập thì dựa vào điểm số 2 kỳ kiểm tra”.

Một giáo viên lớp 5 (Bình Chánh, TP.HCM)

Phân loại đánh giá học sinh

“Nếu ngày nào giáo viên cũng đánh giá, viết lời nhận xét thì không thể có thời gian. Đầu tiên giáo viên phải phân loại được học sinh trong lớp. Những học sinh học tốt, tầm ngang nhau, thì có thể tập hợp đánh giá các bài học ở một chương, 3 - 4 ngày đánh giá một lần. Đối với những học sinh yếu thì giáo viên phải theo dõi, đánh giá thường xuyên hơn để biết các em có tiến bộ hay không, tiến bộ như thế nào”.

Nguyễn Thị Kim Hương
(Hiệu trưởng Trường tiểu học Lạc Long Quân, Q.11, TP.HCM)

Chỉ sợ là hình thức

Tuy là một chủ trương hay nhưng khi áp dụng vào VN và với cách làm như hiện tại, phải có thêm thời gian may ra việc đánh giá học sinh tiểu học từ điểm số sang nhận xét mới không dừng lại ở hình thức.

Đầu tiên là giáo viên chưa có sự chuẩn bị kỹ càng với sự thay đổi này. Trong khi người dạy còn chưa thoát khỏi tư duy cách đánh giá qua điểm số thì lại chuyển qua một hệ thống mới mà chưa có sự tiếp nối cần thiết. Đó là khi cách dạy, cách học, cách nhìn nhận vấn đề vẫn còn theo kiểu cũ. Chưa kể, ở nước ngoài, việc đánh giá bằng nhận xét có nhiều thuận lợi vì sĩ số lớp ít, giáo viên dễ quản lý, quan sát học sinh. Ngược lại, với sĩ số trung bình từ 40 trở lên, thậm chí có lớp trên 50 học sinh thì điều này là một thử thách không nhỏ đối với giáo viên hiện nay. Chính vì thế dễ nảy sinh tình trạng nhận xét máy móc, chưa phản ảnh đúng kết quả học tập của học sinh.

Những quy định của Bộ GD-ĐT xem ra rất chi tiết, cụ thể tưởng chừng không có vấn đề gì khi áp dụng. Tuy nhiên thực tế không phải vậy. Nói là học sinh tham gia đánh giá bạn bè nhưng thực hiện điều này như thế nào, thực hiện ra sao là điều không dễ. Nhất là với học sinh tiểu học đang được giáo dục trong môi trường thiếu phát huy tính tự do, độc lập và sáng tạo. Nói phụ huynh cùng tham gia đánh giá nhưng phụ huynh chưa hề biết thông tin gì về việc này từ đầu năm học đến giờ nên nếu có tham gia cũng chỉ là hình thức.

Về việc thay đổi các đánh giá học sinh tiểu học, nhiều nước đã làm nhưng không thể nói là làm ngay. Chẳng hạn khi người Anh muốn thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học từ có điểm, có xếp hạng sang định tính, họ phải thực hiện cả một chiến dịch. Những người có trách nhiệm phải tuyên truyền đến dân chúng. Giáo viên và nhân viên của bộ giáo dục tổ chức các đoàn đi vận động, giải thích, phát tài liệu cho người dân trên đường phố, khu vui chơi... về những thay đổi này.

Khi nền tảng chưa đủ, thiếu sự chuẩn bị cần có mà ép phải làm cho bằng được thì dễ dẫn đến nửa vời, làm cho có hình thức chứ không đi vào thực chất.

Nhiên An

Bích Thanh - Minh Luân

 >> Không xếp loại học sinh tiểu học
>> TP.HCM không cho điểm học sinh lớp 1
>> Không cho điểm học sinh lớp 1

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.