Ngày 16.5, giá vàng miếng SJC đã xuống dưới mức 41 triệu đồng/lượng. Giá mua - bán vàng miếng SJC còn 40,78 - 40,98 triệu đồng/lượng (giảm 320.000 đồng/lượng so với ngày 15.5). So với cách đây 10 ngày, giá vàng miếng SJC giảm 1,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới trong khoảng thời gian này giảm mạnh hơn, khoảng 110 USD/ounce (tương đương 2,7 triệu đồng/lượng), còn 1.537 USD/ounce.
|
Từ mức cao hơn giá thế giới 1 triệu đồng/lượng cách đây khoảng 10 ngày, giá vàng miếng SJC ngày 16.5 đã cao hơn giá thế giới gần 2,5 triệu đồng/lượng. Với xu hướng giá thế giới ngày càng giảm hiện nay, khoảng cách này càng được kéo rộng ra. Thị trường vàng hiện nay đang trong tình trạng hoạt động cầm chừng chờ những tác động từ Nghị định 24 Quản lý thị trường vàng có hiệu lực từ ngày 25.5.
Theo ông Trần Thanh Hải - Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), việc Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN) gia hạn thêm 7 tháng cho các NH huy động vàng qua hình thức phát hành chứng chỉ vàng kể từ tháng 5 này cho thấy NH hiện đang thiếu thanh khoản. Từ cuối năm ngoái đến nay, các quy định ban hành đã siết được thị trường vàng, USD nhưng dân chưa chuyển hướng dòng tiền sang tiền đồng nên NH vẫn còn thiếu thanh khoản. Khi NHNN lập ra nhóm các NH và công ty để bình ổn thị trường vàng, cho phép các đơn vị này bán vàng trong nước (vàng huy động của dân, vàng của đơn vị) và mua vàng trên tài khoản ở nước ngoài. Hiện một số đơn vị muốn đóng trạng thái này nhưng vẫn không được vì để có thể đóng, các đơn vị phải mua lại vàng trong nước và bán lại vàng trên tài khoản ở nước ngoài. Điều này sẽ gây tác động mạnh trên thị trường vàng do nhu cầu mua vàng tăng đột biến. Do đó NHNN hiện vẫn chưa cho phép các đơn vị này đóng trạng thái.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) - cho rằng các chính sách về thị trường vàng gần đây thể hiện sự lúng túng của cơ quan quản lý. Chẳng hạn, tuy đã buộc các NH ngưng huy động vàng nhưng các NH vẫn được tiếp tục phát hành chứng chỉ vàng, người dân gửi vàng vào và nhận chứng chỉ vàng, bản chất vẫn là huy động vàng. Một khó khăn khác là quy định khách gửi vàng để NH giữ hộ phải trả phí nhiều khả năng sẽ khiến người dân rút lại số vàng đang gửi ở các NH. Nếu vậy các NH sẽ gặp khó khăn trong việc trả vàng cho khách do trong nhiều tháng gần đây, một phần không nhỏ lượng vàng mà các NH giữ hộ hoặc huy động qua hình thức chứng chỉ vàng đã được NH đem cầm cố hay bán ra lấy tiền đồng (các NH được phép chuyển đổi vàng sang tiền đồng với tỷ lệ 30% tổng huy động vàng). Việc các NH phải mua vàng lại với số lượng lớn sẽ dẫn đến mất cân đối cung - cầu trên thị trường.
Cuối tháng 11 này (hết thời gian gia hạn các NH phát hành chứng chỉ vàng), người dân có vàng sẽ phải làm gì với số vàng đang nắm giữ, nhà nước sử dụng nguồn vốn trong dân này như thế nào, công cụ can thiệp thị trường như thế nào khi nhu cầu thị trường vàng tăng lên... là các câu hỏi mà thị trường vàng đang chờ đợi câu trả lời từ NHNN. Hiện NHNN đang soạn thảo Đề án huy động vàng trong dân. Theo nguồn tin của Thanh Niên, trong đó có phương án các NH đứng ra làm “chân rết” cho NHNN huy động vàng trong dân và được hưởng phí. Như vậy, theo ông Trần Thanh Hải, NHNN sẽ phải tiếp tục giải quyết các vấn đề như huy động vàng này với lãi suất bao nhiêu, quản lý và sử dụng vàng này sao cho có hiệu quả...
Thanh Xuân
>> Kinh tế VN rơi vào giảm phát
>> Giá vàng tăng trở lại
>> Sản xuất khó có cửa vay vốn
>> Mốt ăn vàng, uống vàng: Ăn bao nhiêu, thải ra bấy nhiêu
Bình luận (0)