Theo nhà nghiên cứu Luis Rumbaut (Mỹ) thì điệu nhạc Boléro được khai sinh ở Santiago - một thành phố phía đông Cuba với bản Tristezas do Sanchez viết năm 1883. Tuy nhiên nguồn gốc sâu xa của Boléro lại ở Tây Ban Nha (các nước châu Mỹ La - tinh thường là thuộc địa của Tây Ban Nha)... |
Sau giai đoạn mở đường này, khoảng năm 1965-1970 nhạc Boléro ào ạt chiếm lĩnh thị phần âm nhạc, màu sắc cũng hết sức phong phú : Mạnh Phát (Chuyến đi về sáng, Qua xóm nhỏ...), Dzũng Chinh (Những đồi hoa sim, Hận Tha La...), Duy Khánh (Thương về miền Trung, Ai ra xứ Huế...), Huỳnh Anh (Hoa trắng thôi cài lên áo tím, Mưa rừng...), Trúc Phương (Tàu đêm năm cũ, Nửa đêm ngoài phố...), Thanh Sơn (Lưu bút ngày xanh... ). Đa phần các nhạc sĩ khi sáng tác ca khúc theo điệu Boléro là muốn trải lòng ra tâm sự nên thường sử dụng âm giai Thứ (mineur) nghe buồn buồn. Tuy nhiên cũng có nhiều nhạc sĩ lại ưa sử dụng âm giai Trưởng (majeur) rộn ràng, vui tươi hơn như Lê Trọng Nguyễn (Nắng chiều...), Trần Thiện Thanh (Chuyện hẹn hò, Mùa đông của anh...), Y Vân (Aão ảnh, Những bước chân âm thầm...). Giai đoạn này là thời kỳ vàng son của các giọng ca: Hà Thanh, Hoàng Oanh, Kim Loan, Thanh Tuyền, Duy Khánh, Nhật Trường, Trung Chỉnh, Phương Đại, Giao Linh...
Sau 1975, dòng nhạc Boléro xuất hiện "thấp thoáng" với các ca khúc của Hoàng Phương (thường gọi là "nhạc Gò Công") do Bảo Yến hát, cũng tạo được một dạo náo nhiệt rồi im hơi lặng tiếng...
Sự trở lại trẻ trung và hiện đại
"Nóng hổi" nhất có lẽ là không khí nôn nao, hồi hộp chờ đợi trong những fans của Phương Thanh, khi album Chanh Boléro của ca sĩ tưởng chừng chẳng hợp chút nào với thể loại này sắp phát hành. Nói về album này, Phương Thanh rất hào hứng: "Lúc đang làm Chanh show, tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện phải tìm cái gì đó lạ lạ để hát cho vui, và làm album luôn, vì hát nhạc trẻ riết rồi cũng chán. Vậy là nghĩ đến Boléro... Đúng là khi thu âm, thấy quá... ép phê, quá ghiền!". Phương Thanh cho biết, chị có mang thử vài bài Boléro hát trên sân khấu, thấy khán giả cũng cổ vũ dữ lắm. Trong Chanh Boléro, ngoài bài Cây cầu dừa được phối rất hiện đại, còn lại tất cả (Lan và Điệp, Người đi ngoài phố, Sầu tím thiệp hồng, Giọt lệ đài trang...) đều giữ lại chất "mùi" của Boléro, và được Phương Thanh hát rất "đúng chuẩn".
Bìa một bản nhạc Boléro trước 1975 (Ảnh chụp lại: H.Đ.N) |
Ngoài những giọng ca xưa gắn với thể loại này, nhắc đến Boléro bây giờ, khán giả không thể không nhớ đến Đàm Vĩnh Hưng, khi gần đây, anh vừa có một album thật xưa - Thương hoài ngàn năm, và dĩ nhiên trong đó cũng không thể thiếu Boléro. Hầu hết những ca sĩ ngày nay khi đến với Boléro, họ đều gửi vào giai điệu xưa ấy một hơi thở rất "nay", không chỉ bằng cách cảm trong thể hiện, mà chính còn ở những bản phối mang màu sắc mới mẻ, trẻ trung. Và nói như Hữu Minh, chủ của Kim Lợi studio thì "Trong tình trạng nhạc trẻ dường như bị bão hòa, dòng nhạc xưa đang trở lại, thì với Boléro, nếu mình làm cho nó trẻ hơn, thì chắc chắn người nghe sẽ dễ dàng tiếp nhận". Và bằng chứng là khi album Em về kẻo trời mưa của Cẩm Ly ra mắt, người nghe đã rất ủng hộ. Chính vì đĩa bán rất chạy, nên Cẩm Ly chuẩn bị phát hành tiếp album trữ tình nữa - Khi đã yêu - vào tuần sau (trong đó có những bài Boléro: Bạc trắng lửa hồng, Chuyện đêm mưa, Mưa nửa đêm...).
Nếu bảo nhận xét chung, thì không ai mạnh dạn khẳng định là Boléro đang trở lại, nhưng hầu hết các ca sĩ đều cho rằng khi mình hát lại những ca khúc được cho là "sến" này, thì khán giả hưởng ứng rất nồng nhiệt.
|
Hà Đình Nguyên - Nguyên Vân
Bình luận (0)