Mỹ bắt đầu thử nghiệm vận hành đối với dòng bom chiến lược StormBreaker, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, trước khi chính thức trang bị cho các chiến đấu cơ vào năm 2019.
Quân đội Mỹ đang thử nghiệm dòng bom thông minh StormBreaker có thể tìm mục tiêu bất chấp mọi điều kiện thời tiết. Đây là chương trình của lực lượng không quân nhằm trang bị lợi thế then chốt cho các phi đội tiêm kích khi cần tấn công chính xác mục tiêu trong lúc những dòng bom khác bị vô hiệu hóa, theo Tạp chí Jane’s. StormBreaker là vũ khí được nhà thầu Raytheon chế tạo, thiết kế lại từ dòng bom có tên SDB II để khai triển từ độ cao hàng ngàn mét trên không và lao đến mục tiêu đang di chuyển hoặc bất động trên mặt đất bất kể điều kiện thời tiết.
Thời tiết xấu lâu nay là một trong những phương thức ngụy trang hiệu quả trên chiến trường. Bão cát, mưa lớn, tuyết rơi đều có thể mang đến thách thức trong trường hợp cần tấn công mục tiêu trên đất liền. Bên cạnh những tác nhân tự nhiên, các bên tham chiến có thể tạo ra tình trạng khói mù, bão bụi bằng cách dùng trực thăng hoặc phương tiện cơ giới để cản trở tầm nhìn của đối phương. Tuy nhiên, dòng bom StormBreaker lại giúp quân đội Mỹ đảo ngược tình thế theo hướng có lợi, nhờ vào công cụ dò tìm đặc biệt được tích hợp vào vũ khí và hoạt động theo 3 chế độ: radar bước sóng milimet, hình ảnh hồng ngoại và laser bán chủ động. Nếu chế độ đầu tiên cho phép vũ khí phát hiện và theo dõi các mục tiêu bất kể điều kiện thời tiết, thì chế độ ảnh hồng ngoại mang đến độ phân biệt rõ nét hơn đối với mục tiêu. Trong trường hợp theo dõi nguồn laser xuất phát từ mặt đất hoặc từ máy bay trên không, vũ khí sẽ chuyển sang chế độ laser bán chủ động, theo Đài Fox News.
Chiến đấu cơ F-16D mang theo StormBreaker trong một lần thử nghiệm Ảnh: Raytheon
StormBreaker có thể tấn công bằng 3 cách: bình thường, chiếu sáng bằng laser và phối hợp. Để khóa mục tiêu di động trong điều kiện thời tiết xấu, StormBreaker dùng radar bước sóng milimet. Khi chuyển sang chế độ tấn công chiếu sáng bằng laser, vũ khí sẽ dùng thiết bị phóng laser cho phép tấn công chính xác hơn. Và nếu StormBreaker được triển khai nhắm vào mục tiêu bất động, có thể dùng đến chiến thuật phối hợp để xử lý. Người điều khiển (ở trạm mặt đất hoặc trên không) hoàn toàn có thể cập nhật mệnh lệnh trong lúc bom đang lao đến mục tiêu. Chẳng hạn, nếu mục tiêu bắt đầu di chuyển, bom sẽ được nạp dữ liệu mới và điều chỉnh hành trình bay nhờ vào hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh để đến vị trí tấn công. Tầm bắn của StormBreaker đạt đến 70 km.
Với năng lực đầy hứa hẹn, đáng ngạc nhiên là StormBreaker lại có kích thước khá khiêm tốn. Trọng lượng của nó chưa đầy 100 kg, dài 1,78 m và đường kính gần 20 cm. StormBreaker chẳng khác nào kẻ tí hon nếu so sánh với dòng bom GBU-43/B (MOAB - biệt danh mẹ của các loại bom), với các thông số dài 9,17 m, đường kính 103 cm, trọng lượng 9,5 tấn. Dù vậy, nhỏ gọn lại là một lợi thế khác của “bom thời tiết”. Đài Fox News phân tích, vũ khí quá cồng kềnh cũng đồng nghĩa với việc phải triển khai nhiều chiến đấu cơ hơn để đảm bảo tiêu diệt được mục tiêu. Trong trường hợp StormBreaker, một tiêm kích có thể mang theo nhiều quả hơn, giảm được số phi cơ xuất kích và từ đó ít phi công lâm vào tình trạng nguy hiểm hơn.
Tạp chí Air Force dẫn lời Giám đốc chương trình StormBreaker của Raytheon, ông Cristy Stagg cho hay giai đoạn thử nghiệm trước khi vận hành dự kiến kéo dài 12 tháng. Chính phủ Mỹ không công bố báo cáo chính thức về sự thể hiện của StormBreaker trong quá trình thử nghiệm, nhưng các đại diện Raytheon tỏ ra hết sức lạc quan về kết quả nhận được. StormBreaker hoàn toàn tương thích với nhiều dòng máy bay F-15, F-16, F/A-18, và Raytheon đã tích hợp dòng bom mới này cho chiến đấu cơ F-15E. Ngoài ra, F/A 18E/F Super Hornet sẽ được lắp “bom thời tiết” trong vòng 2 năm nữa. Không quân và hải quân Mỹ cũng đang lên kế hoạch trang bị vũ khí lợi hại này cho nhiều đời máy bay hơn, trong đó cân nhắc bổ sung tiêm kích tàng hình F-35 vào danh sách.
Bình luận (0)