“Bom xăng” giữa phố

05/06/2013 03:05 GMT+7

Vụ hỏa hoạn dữ dội tại trạm xăng dầu quân đội số 9 ở 2B phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội chiều 3.6 khiến rất nhiều người dân Hà Nội giật mình, và nhận ra mình đang phải sống chung với những quả “bom xăng” có thể phát nổ bất cứ lúc nào.

“Bom xăng” giữa phố

Trạm xăng ở số 249 phố Thụy Khuê nằm liền kề các cửa hàng bán tạp hóa, nhà dân -  Ảnh: Nguyễn Tuấn

Nguy cơ rình rập

Ghi nhận của PV Thanh Niên tại hàng loạt các trạm bán xăng, dầu trên địa bàn Hà Nội đều cho thấy nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ cao với hiểm họa khó lường. Tại trạm xăng số 276 phố Thụy Khuê, Hà Nội, cả 3 mặt đều nằm sát cạnh tường nhà của khu dân cư, phía trước có trụ cột điện với mớ dây loằng ngoằng.

Nguy hiểm hơn như trạm xăng số 179 phố Đê La Thành, sát cạnh trạm xăng là công ty sản xuất thép, thiết bị kim loại, còn đối diện là hai cửa hàng hàn xì đỏ lửa cả ngày. Cách trạm xăng chưa đầy 4 m là quán nước vỉa hè, khách thản nhiên ngồi hút thuốc lá, chỉ cần một chút sơ sẩy cũng có nguy cơ hỏa hoạn. Bên trong cửa hàng lúc nào cũng có gần chục xe máy của nhân viên, cạnh đó dưới nền nhà thiết bị phòng cháy chữa cháy gồm bình xịt, máy bơm… đặt lẫn lộn với các đồ đạc khác. Đặc biệt, tại khu vực qua trạm xăng này vì lòng đường hẹp, nhiều phương tiện tham gia lưu thông nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ, nhất là khi xe bồn vào trạm tiếp xăng. “Hơn chục năm nay, kể từ khi mở trạm xăng, người dân sống cạnh đây sợ lắm, có ai muốn ở gần đâu, lỡ cháy nổ thì chỉ có tan xác pháo. Hơn nữa, mấy nhà nằm sát trạm xăng suốt ngày phải hít mùi xăng, độc lắm”, một người dân bán nước gần trạm xăng bức xúc cho biết. 

Hay trạm xăng ở số 233 phố Khâm Thiên lụp xụp, mái che chỉ cao chừng hơn 2 m, nằm khuất sau tán cây, sát cạnh 2 bên là các cửa hàng kinh doanh bia hơi, bày bán quần áo la liệt. Trạm xăng ở số 2D phố Khâm Thiên thuộc Công ty xăng dầu khu vực I lại nằm sâu trong khuôn viên của Xí nghiệp đầu máy Hà Nội, có diện tích vỏn vẹn chừng 15 m2, gồm 2 cột bơm xăng với dụng cụ đã hoen gỉ… Khách hàng đến mua xăng chỉ có thể qua lối cửa ra vào độc đạo rộng chừng 3 m, khi xảy ra cháy nổ sẽ rất khó để lực lượng chữa cháy tiếp cận hiện trường kịp thời.

Trong khi đó, theo Quyết định về việc ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng” của Bộ Xây dựng ban hành năm 2008, trạm xăng trong đô thị phải đảm bảo các yêu cầu an toàn chặt chẽ như phân cách lộ giới (chỉ giới đường đỏ) ít nhất 7 m (tính từ mép ngoài hình chiếu bằng công trình trạm xăng). Đối với các trạm xăng nằm gần giao lộ, khoảng cách từ lối vào trạm xăng tới chỉ giới đường đỏ gần nhất cần đảm bảo ít nhất 50 m… Đặc biệt, phải cách nơi tụ họp đông người như trường học, chợ ít nhất 100 m, cách trạm xăng khác ít nhất 300 m, cách các danh lam thắng cảnh ít nhất 100 m, không vi phạm xây dựng an toàn PCCC và bảo vệ môi trường. Theo thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, qua vụ cháy tại cây xăng Trần Hưng Đạo cho thấy việc chấp hành quy định pháp luật về PCCC ở các cây xăng có nhiều vấn đề cần phải được rà soát, chấn chỉnh. Theo thống kê của lực lượng cảnh sát PCCC thì toàn TP.Hà Nội có gần 500 cây xăng nhưng có hơn 100 địa điểm chưa tuân thủ đúng yêu cầu về PCCC. Trong thời gian tới, Sở Cảnh sát PCCC sẽ đề nghị TP tiến hành rà soát, kiểm tra lại toàn bộ các cây xăng, trong trường hợp cần thiết sẽ mạnh tay tước giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở không đủ điều kiện.

“Buông lỏng trong quản lý cây xăng”

 

Thượng tá Trần Văn Vụ,Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội), cho biết trước khi vụ cháy xảy ra, Trạm xăng dầu số 9 đã vi phạm nhiều quy định. Được biết, hiện trên địa bàn Q.Hoàn Kiếm hiện có tới 11 cửa hàng kinh doanh xăng dầu và đa số các cửa hàng này đều vi phạm quy định về khoảng cách an toàn.

H.A

Cuối năm 2012, UBND TP.Hà Nội ban hành quyết định Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội đến năm 2020 tầm nhìn 2030 của UBND Hà Nội, số lượng cửa hàng xăng dầu phải giải tỏa, di dời là 56 cửa hàng. Cụ thể hơn, tháng 4.2013, Hà Nội đưa ra kế hoạch 55 về quy hoạch hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng dầu đến năm 2015. Theo đó, số lượng cửa hàng xăng dầu phải xóa bỏ, giải tỏa là 10 cửa hàng, 45 cửa hàng phải di dời theo dự án khác và 52 cửa hàng phải nâng cấp cải tạo. Những cửa hàng thuộc diện giải tỏa chậm nhất đến 30.12.2014 phải thực hiện xong. Theo quy định, danh mục các cửa hàng phải giải tỏa, di dời, cải tạo sẽ được công bố công khai. Tuy nhiên, chiều 4.6, liên lạc với lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội về vấn đề này, chúng tôi đã không nhận được trả lời.

Trao đổi với báo chí, thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi nhìn nhận “đâu đó vẫn còn hiện tượng buông lỏng trong quản lý cây xăng”. Ông Nghi cũng cho hay, Sở PCCC đã nhận được nhiều phản ánh của người dân về tình trạng nguy hiểm của các cây xăng như gần chợ, đông người tại sao vẫn để cây xăng tồn tại. Một khó khăn khác trong việc di dời cây xăng là quỹ đất của TP hạn chế, lượng phương tiện ngày một tăng, việc cung cấp xăng dầu cho phương tiện sẽ rất khó khăn nếu TP chỉ quy hoạch cây xăng ra khu vực Gia Lâm hay Hoài Đức. Sắp tới, Sở Cảnh sát PCCC sau khi rà soát sẽ đề xuất với Sở Công thương cây xăng nào chưa đảm bảo an toàn để kiến nghị với TP.

Đáng nói hơn, theo ông Nghi, trong số 10 cửa hàng phải di dời theo quyết định của UBND TP, hiện vẫn chưa có cửa hàng nào được di dời. “Từ khi thành lập Sở Cảnh sát PCCC (tháng 7.2011) chúng tôi ra yêu cầu chấp hành nghiêm túc các điều kiện thì mới được mở cây xăng mới. Còn những cây xăng trước đây nếu vi phạm thì phải xem xét nó trong từng giai đoạn bởi mỗi giai đoạn lại quy định khác nhau", ông Nghi nói.

Nhiều cây xăng ở TP.HCM vi phạm an toàn PCCC

Theo ghi nhận của PV vào ngày 4.6, nhiều cây xăng nằm ở trung tâm TP.HCM vi phạm về khoảng cách an toàn PCCC, như gần khu dân cư, nơi đông người, nhà cao tầng, phòng khám bệnh… Chỉ trên một đoạn đường Trần Hưng Đạo khoảng 1 km (Q.1, Q.5) có đến 4 cây xăng đã vi phạm về khoảng cách an toàn PCCC. Cụ thể, cửa hàng xăng dầu số 37 nằm trên đường Trần Hưng Đạo (gần giao lộ Nguyễn Văn Cừ, Q.5) nằm sát Phòng khám đa khoa nhi Nancy. Nếu cây xăng này xảy ra sự cố sẽ gây hậu quả khó lường. Ngoài ra, hàng loạt cây xăng khác cũng nằm rất gần với nơi đông người như cửa hàng xăng dầu số 27 trên đường Trần Hưng Đạo (Q.5), bên hông cây xăng cách con hẻm nhỏ là nhà cao tầng, phía sau sát vách với nhà dân; cây xăng của DNTN TM - DV T.T trên đường Trần Hưng Đạo (Q.1) thì gần siêu thị điện máy; cửa hàng xăng dầu số 23 (trước chợ Bến Thành) nằm cạnh bến xe buýt luôn tấp nập người...

Thực tế, trên địa bàn TP từng xảy ra nhiều vụ cháy tại cây xăng thiêu rụi xe bồn cũng có, cháy trụ bơm xăng cũng có, làm chết người. Điều đáng nói, đa số cây xăng xảy ra cháy đều vi phạm về quy định PCCC, như vụ cháy cây xăng trên đường Nguyễn Oanh (Q.Gò Vấp) xảy ra giữa năm 2012 làm 1 người tử vong. Nguyên nhân do xe bồn thực hiện không đúng quy định khi nạp xăng từ xe bồn vào hầm chứa xăng của cây xăng.

Đàm Huy

Thanh Niên

>> Nguy cơ cháy cây xăng tại TP.HCM
>> Vụ cháy kinh hoàng ở cây xăng: Công bố nguyên nhân ban đầu
>> Vụ cháy kinh hoàng ở cây xăng: Lời kể của những người chạy ra từ tường lửa
>> Vụ cháy kinh hoàng ở cây xăng: May là xe bồn không phát nổ
>> Cháy trạm xăng dữ dội ở Hà Nội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.