(TNO) Hăm hở với ước mơ của mình nhưng sự bồng bột của tuổi trẻ đã khiến chàng trai này trượt dài đến cùng cực trong lối sống đàn đúm, ăn chơi và sa ngã. Cha mẹ khóc hết nước mắt vì con khi Tiến thi ĐH-CĐ đến 4 lần. Thế nhưng, giấc mơ giảng đường và sự thức tỉnh của “thằng đàn ông” đã giúp Tiến trở thành chàng sinh viên sắp ra trường.
Thanh Niên Online muốn giới thiệu đến bạn đọc câu chuyện của Nguyễn Đức Tiến (đang là sinh viên năm 3 khoa Báo chí - Truyền thông, ĐH KHXH-NV TP.HCM) như một chia sẻ cho giấc mơ giảng đường của hàng triệu thí sinh trong mùa thi ĐH-CĐ 2013.
Kỳ 2: Nước mắt tủi nhục và mừng vui
>> Bốn lần thi đại học của chàng trai rượu chè, cờ bạc - Kỳ 1
Ra đời vấp phải nhiều đắng cay, tủi hổ, Tiến mới thấm thía nỗi khổ cực của cha mẹ. Quyết tâm tìm đến con chữ như sự giải thoát cho số phận u ám, cậu bé hư ngày nào cũng hoàn thành giấc mơ giảng đường sau… bốn lần thi đại học.
Ra đời trong nước mắt
Trong xóm có rất nhiều người lập nghiệp ở Tây nguyên, Tiến nghĩ mình cũng có đủ sức vóc và may mắn nên xách ba lô ra đi mà không ngoảnh mặt nhìn ai.
Đặt chân lên Gia Lai, khi xe dừng lại quán cơm, thấy người ta tuyển người phụ việc, Tiến xin làm. Hằng ngày Tiến phải làm đủ thứ việc trong quán. Thời gian ngủ dường không có, có chăng chỉ là chợp mắt lúc đợi khách.
Kiệt sức, nghe người ta rủ lên Đắk Lắk coi rẫy cà phê, thấy bùi tai và Tiến lên đường. Thoải mái thời gian đầu, đến mùa thu hoạch cà phê một lần nữa công việc trở nên quá sức với cậu bé 18 tuổi. Ban ngày Tiến cùng mọi người hái rồi vác những bao cà phê hơn nửa tạ trên các con dốc sừng sững. Đêm đến Tiến cũng chẳng được chợp mắt vì phải canh giữ cà phê.
|
Dù mưa hay nắng trên tay Tiến luôn có một đèn pin và con dao để đi “tuần tra” canh rẫy. Chỉ một lần lơ đễnh làm mất cà phê, Tiến bị đuổi phắt ra đường.
Nghĩ mình dễ thích nghi với phố thị hơn ở vùng nông thôn, Tiến quyết định vào Sài Gòn.
Nhưng cơ hội ở đâu? Công việc sinh nhai dễ tìm nhất chỉ là một chân phụ hồ ở các công trình.
Vật vã xúc từng xẻng bê tông giữa cái nắng chói chang của mảnh đất Sài thành, chân tay Tiến bỏng rát đau buốt nhưng vẫn cắn răng chịu đựng. Nhiều lúc vác bê tông đến tróc da, nằm sốt miên man nhưng không có một đồng mua thuốc, khi ấy, Tiến đã biết ứa nước mắt nghĩ đến mẹ những lúc như thế này vẫn thường chăm nom, chiều chuộng mình.
|
Rồi Tiến xin vào làm ở một quán bar. Những tháng ngày lêu lổng thời phổ thông, không ít lần Tiến là khách quen của các quán bar thành phố. Nhưng chưa bao giờ Tiến nghĩ sẽ có ngày mình phải đi bưng bê, mồi thuốc cho những cậu ấm cô chiêu mặt còn búng ra sữa.
Thỉnh thoảng, những lúc say, Tiến bước qua dãy phòng trọ vẫn còn sáng đèn. Nhìn các bạn sinh viên đang ôn bài, đang chia sẻ những mẩu chuyện trong thi cử, chuyện tình yêu khiến Tiến chạnh lòng, rơi nước mắt.
|
Những lúc như vậy, trong lòng Tiến trỗi dậy khao khát được đi học, được ngồi giảng đường và có một bạn gái xinh xắn.
Từ những giọt nước mắt ấy, Tiến nghĩ mình vẫn còn cơ hội. Mặc dù con đường đến với giảng đường của mình chông gai hơn người khác.
Hạnh phúc đâu dễ đến
Tiến cắn răng quay về quê, xin cha mẹ cho đi học lại.
Trước khát khao và sự thành khẩn của Tiến, cha mẹ Tiến không đành lòng nên gom góp tiền bạc để Tiến đi ôn thi. Tưởng như những cố gắng nỗ lực của Tiến sẽ được đền đáp nhưng một lần nữa số phận vẫn quay mặt.
Sáu tháng ôn thi là khoảng thời gian chưa đủ để khỏa lấp lỗ hổng kiến thức mà Tiến đã đánh mất thời phổ thông. Lần thứ hai thi trượt đại học năm 2008 khiến Tiến như muốn ngã quỵ.
Trước áp lực từ gia đình, Tiến "chọn đại" một trường cao đẳng ở Đà Nẵng để ba mẹ an tâm. Gói gọn những day dứt, hổ thẹn vào một góc nhỏ trong lòng, Tiến coi Đà Nẵng như điểm dừng chân cuối cùng của kẻ thất bại. Nhưng chính nơi đây lại đưa Tiến đến tấn bi kịch mà cho tới bây giờ, Tiến vẫn còn nhớ mãi.
Vì không muốn thua thiệt bạn bè, Tiến âm thầm thi lại đại học. Nhưng cùng lúc, Tiến không thể gồng gánh chương trình ôn luyện đại học và chương trình học ở trường cao đẳng.
Thi trượt năm 2009, Tiến như người điên
Mải mê chạy theo những thứ không thuộc về mình để khi dừng lại thì mọi chuyện đã quá muộn. Vỡ mộng đại học lần thứ ba, lại còn nợ môn ở trường CĐ, cảm giác chơi vơi khiến Tiến như mất định hướng.
|
Mặt khác, cái tôi trong Tiến cứ giằng xé: “Là đàn ông ngã chỗ nào đứng dậy chỗ đó. Còn trẻ thì hãy làm những gì mình thích đừng để sau này phải hối hận”.
Thế là, Tiến lại lén gia đình âm thầm vào Sài Gòn với quyết tâm cao độ, không đậu đại học không về nhà.
Trong khoảng thời gian chờ thi đại học Tiến lại tìm đến công việc phụ hồ quen thuộc. Ban ngày miệt mài làm việc ở công trường, đêm về luyện thi trên chiếc võng dù ố bạc.
Nhiều lúc mệt mỏi, úp sách trên mặt muốn ngủ thiếp đi nhưng Tiến lại nhớ đến những lời động viên của mẹ. Cổ họng nghẹn đắng, nước mắt lăn dài trên đôi gò má hốc hác, Tiến lại ngấu nghiến học.
Hồi đó, con đường Lê Văn Lương Q.7, nơi Tiến phụ hồ, đỏ rực màu chôm chôm. Nhiều lúc đi làm về muốn mua một ký chôm chôm ăn cho đã thèm. Nhưng những lo toan tiền bạc còn đầy ắp đó, Tiến chỉ biết tự an ủi chừng nào thi đỗ đại học thì mua về mừng tiệc.
Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ
Ngồi trước hội đồng thi với vẻ mặt từng trải, Tiến nhâm nhi ly cà phê, phì phèo điếu thuốc. Chẳng ai nghĩ Tiến là thí sinh bởi khuôn mặt già dặn và bộ quần áo còn bốc mùi xi măng.
Thi xong, Tiến lại trở về đồng hành với chiếc xe rùa từ công trình này đến công trình khác. Mặc dù đã có nhiều "kinh nghiệm", nhưng lần này Tiến lại không dám đối mặt với kết quả thi đại học của mình.
Niềm vui sướng khó có thể tả thành lời. Mẹ Tiến đã khóc, những giọt nước mắt chứa chan hạnh phúc. Những giọt nước mắt ấy là tấm lòng cao cả của người mẹ già luôn hết lòng vì con. Đứa em gái cũng lăn tăn chạy khắp xóm để chia sẻ niềm vui cùng người anh trai phương xa. Không còn tủi hổ, không còn day dứt, những vết thương âm ỉ trong lòng Tiến bỗng nhiên lành lặn đến lạ thường. Cảm giác có lỗi với gia đình vơi đi trước thời khắc “lịch sử” ấy. |
Hôm ấy, trên con đường Lương Định Của (Q.2), có một kẻ phát điên vì hạnh phúc.
Mẹ Tiến đã khóc, những giọt nước mắt chứa chan hạnh phúc. Đứa em gái cũng lăn tăn chạy khắp xóm để chung niềm vui cùng người anh trai phương xa.
Cánh cửa tương lai đã rộng mở nhưng sự tin tưởng mà Tiến đã đánh mất trước đó khiến cha của Tiến phản đối kịch liệt. Ông không cho Tiến học ĐH, ông không tin con mình sẽ trưởng thành và cứ bị ám ảnh chuyện “bỏ ngang” của Tiến.
Tiến không dám oán trách, hoài nghi của cha. Tiến thuyết phục ông bằng sự hối cải ẩn chứa đầy khát khao. Sau nhiều ngày suy nghĩ, một lần nữa, ông tha thứ cho lỗi lầm của đứa con lì lợm của mình.
Tiến đến giảng đường đã được 3 năm ở một ngành "hot": Báo chí - Truyền thông nhưng chàng trai trẻ vẫn luôn biết mình chỉ mới bắt đầu trong một chặng đường mới, đầy thử thách phía trước.
Giờ đây, mỗi dịp tết, mang chiếc ba lô về nhà, đôi chân Tiến không còn nặng trĩu như trước. Bởi bên bụi tre trước nhà cả gia đình đang đứng đợi Tiến. Mẹ Tiến đã bày biện sẵn những món ăn mà Tiến thích.
Cả gia đình lại sum vầy bên bữa cơm ấm cúng và đầy ắp tiếng cười…
Toàn Liêm
>> Hàng ngàn thí sinh dự thi đại học đổ về TP.HCM
>> 18 điều giúp bạn thi đại học tốt
>> Giảm 10% giá vé tàu hỏa cho thí sinh thi đại học, cao đẳng
>> Nhật Bản sẽ hủy bỏ thi đại học trong 5 năm tới
>> Khi nào thì bỏ kỳ thi đại học ?
Bình luận (0)