Tác giả Ngô Thảo (sinh năm 1941) là một trong số ít các nhà phê bình văn học từ thời chiến tranh, từng là lính chiến, cầm bút cùng lúc cầm súng ra chiến trận, và hiện nay còn sung sức viết, và viết về những nhà văn cùng thời với ông, thậm chí là sinh trước ông. Với cuốn tư liệu văn học Bốn nhà văn nhà số 4, dường như nhà phê bình Ngô Thảo dành nhiều tâm huyết và tình cảm trân quý hơn cả cho bốn tác giả: Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Thu Bồn.
Không chỉ viết kỹ lưỡng về 4 tác giả lớn, mà cuốn sách còn là cả một thời của thế hệ các nhà văn sống, chiến đấu, cống hiến và hy sinh, là những câu chuyện cuộc đời không thể lặp lại.
Phần vào đầu cuốn sách đã khá dày dặn và thú vị, đặc biệt là phần Ghi ở Hương Ngải, giống như món khai vị đặc sắc, sống động các giai thoại về 4 tác giả nhà văn quân đội, nhân vật chính của cuốn sách, và hơn thế, còn là những nhân vật khác, tham gia vào cuộc đối thoại theo kiểu “cánh gà” nhưng lại đắc địa về sự chân thật, ấn tượng. Ta có thể được níu mắt lại với những đoạn như khi nhà văn Nguyễn Minh Châu nhận xét: “Xuân Thiều học Nguyễn Khải ở việc khi viết cứ tìm cách tương tất cả hiểu biết tạp nham vào tiểu thuyết, gọi là tận dụng vốn sống. Nguyễn Khải là đầu têu lối viết đó”. Quả vậy, chỉ cần một câu ngắn nhận xét đó, bạn đọc, nhất là dân viết lách, sẽ thấy được các bậc tiền nhân “bếp núc” ra sao, làm nghề thế nào ở cái thời muôn vàn thiếu thốn, khó khăn của chiến tranh.
Hay câu khác của Nguyễn Minh Châu về văn Nguyễn Khải: “Văn của Nguyễn Khải đắt khách ở miền Bắc trong giai đoạn hiện nay. Nhưng rồi vào miền Nam sau này sẽ khó được người ta thích. Bởi đó là thứ thông minh của nông dân, sự ma lanh, lọc lõi của anh cán bộ nông thôn, trí tuệ rất nông dân, của nông nghiệp ba sào, chứ khó xúc động tầng lớp khác”. Như vậy, có thể thấy tinh thần phê bình rất thẳng thắn, cái nhìn bao quát của nhà văn với bối cảnh văn học chung thời đó. Các nhà văn cầm súng, trong thời điểm gian khổ của cả dân tộc, hầu như đều thiếu thốn trong trang bị kỹ năng làm nghề, chỉ viết với lòng đam mê, nhiệt tình tuổi trẻ, viết bản năng với tất cả những gì mình có và được trời ban. Tất cả vì sự cống hiến cho cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, giành độc lập.
Tuy nhiên, ngay ở thời đó, các nhà văn cũng đã thẳng thắn nêu quan điểm của mình, như Vũ Cao, về thân phận văn nghệ sĩ: “Ở nước ta, có một điều rất nguy hiểm là không chú ý đúng mức vai trò văn nghệ sĩ. Trong xã hội, loại người đó không có vị trí gì. Tất nhiên không phải đòi hỏi đãi ngộ mà là đặt đúng vị trí chính trị của họ. Ở ta, những chuyện về kinh tế, kỹ thuật được trọng vọng hơn chuyện văn chương văn hóa”.
Tất nhiên, ngòi bút Ngô Thảo không chỉ ghi lại chân thực tỉ mỉ những quan điểm, cái nhìn sắc sảo của bạn nghề, đồng đội, mà ông còn dày công sưu tập tư liệu, tìm kiếm các câu chuyện làm nên cuộc đời của 4 nhà văn nhân vật chính. Tư tưởng sống trách nhiệm với dân tộc, với trang viết thể hiện trong từng hành động, từng câu chữ viết và nói ra. Với Nguyễn Thi, không chỉ là phong cách văn chương, những tác phẩm để lại, mà Ngô Thảo đã kể một cách sống động, hấp dẫn về cuộc đời của nhà văn này. Những câu chuyện kỳ lạ về đời văn, đời người trong chiến tranh tao loạn, trong cả bối rối thế thái nhân tình, và cả ý chí mãnh liệt cống hiến hy sinh cho độc lập dân tộc, giải phóng toàn vẹn đất nước. Dựng lên hình tượng đặc biệt của Nguyễn Thi như thế với đời riêng trắc trở, với văn chương tỏa sáng, Ngô Thảo đã dâng tặng người đọc, cũng như bạn viết không chỉ là tư liệu văn học quý giá, mà còn là số phận độc đáo, đại diện cho thế hệ thanh niên, trí thức Việt thời chiến. “Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi) là người có ý thức kỷ luật cao và luôn đòi hỏi rất cao ở mình, trong công việc cũng như trong quan hệ đời sống, những đòi hỏi đó có khi đến mức cực đoan, khắt khe. Cá tính mạnh mẽ của anh từng gây cho anh nhiều điều khó chịu, có lúc thành bi kịch trong đời sống riêng tư, đầu độc bầu không khí quanh mình, rồi biến chính mình thành nạn nhân của những va chạm trong sinh hoạt đời thường”. Khi đọc đoạn văn này, tôi càng thấm một điều rằng “Cái đẹp chính là sự thực, dù sự thực nghiệt ngã”.
Với Nguyễn Khải, thì đó là sự kịp thời trong sáng tác, khiến cái tên của ông trở thành một giá trị gắn liền với những sự kiện quan trọng của dân tộc. Chỉ có thể là "con mắt thứ ba" mới giúp Nguyễn Khải nhanh chóng đoán định và vung bút kịp thời. Ngô Thảo nhận xét: “Trên nhiều thời điểm khác nhau, các tác phẩm của Nguyễn Khải đã gắng vươn lên bắt kịp hiện thực để có mặt đúng lúc. Cũng do có mặt kịp thời, mà tác phẩm văn học đã trở thành một phần của hiện thực. Và khi nhớ lại, chúng ta không thể muốn có một hình ảnh xác thực về những tháng năm ấy mà không nhắc tới những tác phẩm của anh”. Như vậy, văn học đa mang giá trị của sử học, giá trị tâm linh trong ký ức nhân quần, khiến văn học và người sáng tác ra nó sống mãi.
Nhà phê bình Ngô Thảo cho rằng: “Nguyễn Minh Châu thuộc trong số vài ba nhà văn đặc sắc nhất của thế hệ nhà văn cầm bút từ sau cuộc kháng chiến chống Pháp”, còn với Thu Bồn, ông cũng khẳng định: “Sự nghiệp sáng tác đồ sộ, gồm nhiều thể loại của Thu Bồn gợi người đọc liên tưởng đến một cánh rừng nguyên sinh, bởi sự phóng khoáng, hoang dã, gắn bó với núi rừng Tây Nguyên, đầy bí ẩn và kỳ lạ. Còn hơn cả một cánh rừng! Bởi đất rừng mất cây là mất vĩnh viễn. Cánh rừng nguyên sinh được sinh thành từ tâm huyết, trí tuệ, tình cảm, sự từng trải, tài năng, sức lao động của Thu Bồn chắc sẽ còn mãi".
Không chỉ là bài học từ từng trang viết, mà bài học cuộc đời của 4 nhà văn và nhiều hơn thế của nhà số 4 (ngôi nhà 4 Lý Nam Đế, Hà Nội, trụ sở tạp chí Văn Nghệ Quân Đội từ thời chiến tranh đến nay) qua ngòi bút Ngô Thảo trong cuốn Bốn nhà văn nhà số 4, sẽ mang lại ý nghĩa cho bạn đọc hôm nay và mãi sau này để chiêm nghiệm, để trân quý, tự hào và lấy đó làm vốn sống cho chính mình dấn bước.
Bình luận (0)