Bóng chuyền Việt Nam đã có tân chủ tịch và tổng thư ký

06/12/2015 17:10 GMT+7

Sau rất nhiều lần bị trì hoãn, Đại hội Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) nhiệm kỳ 6 (2015-2019) đã diễn ra vào ngày 6.12 tại Hà Nội và đã bầu được hai chức danh chủ chốt nhất.

Sau rất nhiều lần bị trì hoãn, Đại hội Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV)  nhiệm kỳ 6 (2015-2019) đã diễn ra vào ngày 6.12 tại Hà Nội và đã bầu được hai chức danh chủ chốt nhất.

Đại hội Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam nhiệm kỳ 6 - Ảnh: Nam Anh
Lý do trì hoãn đại hội VFV nằm ở vấn đề nhân sự. Suốt mấy năm trời không thể tìm được hai nhân vật giữ chức chủ tịch và tổng thư ký VFV. VFV mời khá nhiều doanh nhân uy tín tham gia ứng cử chủ tịch thế nhưng đều bị từ chối. Thậm chí tổng thư ký VFV Trần Đức Phấn còn phải “dũng cảm” xin tự ứng cử chức danh chủ tịch nhưng cách đây hai tháng đã xin rút.

Chiếc ghế tổng thư ký VFV do ông Phấn nắm giữ nhiều năm liền mà mãi không tìm được người thay thế. Bản thân ông Phấn cũng quá tải công việc vì còn kiêm nhiệm cả phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT.

Tuy nhiên, vào phút chót, ứng viên chức chủ tịch đã lộ diện - đó là ông Lê Văn Thành, phó chủ tịch VFV nhiệm kỳ 5 và là chủ tịch HĐQT Tập đoàn Động lực. Còn ứng viên sáng giá nhất cho chức Tổng thư ký là ông Lê Trí Trường - trưởng phòng hành chính Trường Đại học TDTT Bắc Ninh. Ông Trường còn trẻ (sinh năm 1975), có học vị tiến sĩ, là trọng tài quốc tế và được giới chuyên môn đánh giá rất cao.

Tại cuộc bầu cử của Đại hội, hai ông Thành và Trí đã chính thức trở thành tân chủ tịch, tân tổng thư ký VFV. Còn ông Trần Đức Phấn đứng vai phó chủ tịch VFV. Ban chấp hành VFV nhiệm kỳ 6 bao gồm 21 người.

Mơ ước đuổi kịp Thái Lan

Trao đổi với PV Thanh Niên, tân chủ tịch VFV nói: “Tôi cảm thấy khá lo lắng vì áp lực công việc sẽ nặng nề hơn trước và thời gian dành cho bóng chuyền sẽ phải nhiều hơn mới mong thay đổi được một loạt những điểm yếu của nhiệm kỳ trước như đào tạo trẻ còn kém, bóng chuyền chưa phát triển rộng khắp ở các trường học.
Ông Lê Văn Thành trở thành tân chủ tịch của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam - Ảnh: Nam Anh
Mục tiêu của VFV nhiệm kỳ tới là là tiếp tục giữ vững và nâng cao vị thế bóng chuyền là môn thể thao số 2 ở Việt Nam về độ phổ cập và phong trào. Chúng tôi sẽ nỗ lực thu hút thêm nhiều nguồn tài trợ dồi dào để bóng chuyền có thể phát triển cả bề sâu lẫn chiều rộng.

Đặc biệt, VFV sẽ đưa ra một số điều chỉnh nhằm thúc đẩy sự phát triển của môn bóng chuyền. Trong số này đáng chú ý có kế hoạch giảm số đội thi đấu ở giải Vô địch quốc gia từ 12 xuống 8 đội. Mục tiêu của kế hoạch này là nâng cao chất lượng giải đấu".

Khi được hỏi bao giờ bóng chuyền Việt Nam mới có thể giành HCV SEA Games, ông Thành thận trọng nói: “VFV rất khát khao đưa bóng chuyền Việt Nam đuổi kịp và vượt một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, để đánh bại Thái Lan, còn rất nhiều việc phải làm vì xét về mặt bằng kinh tế, Thái Lan vẫn mạnh hơn Việt Nam và vì thế, bóng chuyền Thái Lan cũng được hưởng lợi rất nhiều. Nhưng VFV vẫn đặt mục tiêu đưa bóng chuyền nữ vào tốp 5, bóng chuyền nam ở tốp 10 ASIAD”.

Tỏ ra lạc quan hơn, với chung một câu hỏi: “Bao giờ bóng chuyền Việt Nam vượt qua Thái Lan?”, tân tổng thư ký VFV Lê Trí Trường nhấn mạnh: “Thực lực của bóng chuyền Việt Nam không hề kém Thái Lan, thậm chí một số điểm còn hơn. Thế nhưng hệ thống đào tạo của họ quá chuyên nghiệp và lại được xã hội hóa rất tốt. Vì thế, mục tiêu của chúng tôi đặt ra ở nhiệm kỳ 6 là phải rất chú trọng khâu đào tạo trẻ, ứng dụng khoa học công nghệ vào đào tạo.

Tôi cũng sẽ cố gắng cải tổ lại VFV, xây dựng VFV theo một mô hình chuyên nghiệp, các ban chức năng, đặc biệt ban chuyên môn và ban vận động tài trợ hoạt động thực sự có hiệu quả. Tôi sẽ nỗ lực phát huy khả năng của mỗi cá nhân trong VFV và cùng với các đồng sự, xây dựng được một chiến lược phát triển lâu bền cho bóng chuyền Việt Nam trong tương lai. Và một ngày không xa, đuổi kịp Thái Lan sẽ là điều có thể”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.