Có câu hỏi từ một phóng viên nước ngoài ở VN dành cho tôi sau khi anh chứng kiến một cuộc xuống đường lớn chưa từng có ở Hà Nội, đón chào đội tuyển U.23 trở về sau giải đấu đầu năm ở Thường Châu: “Tại sao người dân VN lại xuống đường đông thế, như thể các bạn vừa đoạt vé đi dự World Cup?”. Câu trả lời của tôi thật đơn giản: “Vì chúng tôi chưa từng dự World Cup, nên chúng tôi biến lễ ăn mừng ấy thành World Cup của riêng mình”.
Anh bạn gật gù, và còn tỏ ra hiểu hơn nữa khi tôi giải thích rằng, ở VN, một nền bóng đá chưa từng vào vòng chung kết World Cup, thì thắng lợi của một đội trẻ ở cấp châu lục đã khiến họ cảm thấy hạnh phúc. Và niềm hạnh phúc ấy thực sự lớn, bởi sau nhiều biến cố trong quá khứ khiến người hâm mộ quay lưng, họ đã yêu bóng đá nội trở lại. Bởi họ tin những gì đã thấy trước mắt là thật, đá thật, chiến thắng thật, từ một thế hệ cầu thủ trẻ trung, hiện đại, trong sáng, biết cách cư xử và là hình ảnh đẹp của thế hệ trẻ.
Họ chỉ đoạt ngôi á quân ở một giải trẻ, nhưng họ trở thành những nhà vô địch trong mắt của một dân tộc yêu bóng đá mãnh liệt như VN. Những ai đã từng trải qua các lần ăn mừng của năm 1998 và 2008 có lẽ cũng nhận ra rằng, chưa khi nào họ nhìn thấy nhiều cờ, nhiều hoa, nhiều tiếng còi, nhiều người đổ ra đường đón chào một đội bóng thua trong một trận chung kết như thế. Anh bạn phóng viên nước ngoài của tôi cũng đã một lần xuống đường như thế, và hiểu tại sao người dân VN cuồng nhiệt đến thế. Sau đó, đến AFF Cup, anh đã “đi bão” như người Việt!
“Đi bão” bỗng nhiên trở thành một từ khóa quen thuộc trên môi của hàng triệu người hâm mộ. Năm 2018 là một năm “đi bão”, năm những lá cờ đỏ thắm đường phố, năm mà người hâm mộ trở lại chật kín các khán đài, năm mà đời sống bóng đá trở nên đầy sống động hơn bao giờ hết. Chính lứa cầu thủ trẻ ấy, cùng một người Hàn Quốc có tên Park Hang-seo, mà bóng đá nội trở thành niềm vui lớn lao cho mọi nhà. Một khi các khán đài đã đông trở lại thì đấy là lúc bóng đá làm được việc tốt nhất của nó, kết nối mọi người trong một niềm vui chung bất tận; và kể cả khi những đội tuyển của ông Park không đi đến cái đích cuối cùng, là danh hiệu, thì người hâm mộ cũng không dỗi hờn. Hóa ra, bóng đá không hẳn đồng nghĩa với những chiếc cúp. Chiếc cúp lớn nhất là tình yêu trong tim người hâm mộ, là niềm tin lớn lao của họ rồi.
Điều này tốt cho sự phát triển chung của bóng đá nước nhà, bởi chính họ là động lực thúc đẩy bóng đá, là “người tiêu dùng thông minh” trong một nền bóng đá đang manh nha trở thành nền công nghiệp nhờ những đầu tư mạnh mẽ từ xã hội hóa vào việc đào tạo thế hệ trẻ. Và ước mơ World Cup đang được nuôi dưỡng chính từ những thành công có được từ các lứa tuyển trẻ ấy.
Bình luận (0)