Bóng đá ngoài chuyên nghiệp Việt Nam sẽ được phủ sóng đến người hâm mộ

04/11/2022 06:15 GMT+7

Cùng với gói tài trợ V-League lên đến hàng chục tỉ đồng đủ sức đưa tất cả các trận V-League và giải hạng nhất đến người xem cả nước thì một tin vui khác là bóng đá ngoài chuyên nghiệp, tức các giải từ hạng nhì trở xuống, kể cả bóng đá nữ và các giải trẻ đang có kế hoạch được phủ sóng toàn bộ để phục vụ công chúng hâm mộ.

Ý tưởng này nằm trong chương trình hành động được ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Hà Nội, Chủ tịch CLB bóng đá Phù Đổng đưa ra ở Đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam với hy vọng VFF sắp tới sẽ xây dựng kế hoạch liên kết, hợp tác với một số đơn vị truyền thông lớn, có cơ chế để dành sự quan tâm cũng như độ bao phủ, sâu sát cho hệ thống các giải đấu ngoài đội tuyển quốc gia và chuyên nghiệp. Ví dụ như tất cả các giải trẻ, giải nữ và giải đấu ngoài chuyên nghiệp đều sẽ được truyền hình trực tiếp nhằm thông tin đầy đủ rộng rãi hơn, đưa tất cả các giải đấu đến gần hơn với khán giả cả nước. Có vậy sẽ giúp phát huy, cải thiện hình ảnh, vị thế bóng đá thêm nữa để tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá, kết nối và kêu gọi các nguồn lực đầu tư, tham gia vào hoạt động bóng đá, phục vụ cộng đồng.

Các trận của tuyển Việt Nam cũng sẽ luôn được ưu tiên truyền hình trực tiếp đến người hâm mộ

Độc Lập

Không chỉ dừng ở việc phủ sóng truyền hình, theo ông Vũ điều mà VFF cần tính đến chính là phát triển truyền thông mạng xã hội bằng việc làm sao tương tác một cách tốt nhất với khán giả yêu bóng đá nước nhà, đưa ra những đóng góp tích cực mang tính xây dựng để tôn vinh giá trị thương hiệu bóng đá Việt Nam, hạn chế những tin tức từ những tranh cãi tiêu cực. Chẳng hạn như nghiên cứu góc nhìn về người hâm mộ thay đổi sau mỗi tuần, mỗi sự kiện và dòng chảy bóng đá trong nước để tối ưu các chiến dịch truyền thông qua từng vòng đấu kế tiếp, nêu cao tinh thần thượng võ, tạo cái nhìn tích cực với quốc tế.

Điều này VFF chưa làm được thời gian qua vì nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan, nhưng không thể kéo dài sự kết hợp lỏng lẻo này mà cần tích cực đẩy mạnh vai trò của các bên để tạo nên sự lan tỏa mối quan hệ truyền thông- cổ động viên. Bởi Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) từng xác định 2 lực lượng này chính là hàng tiền đạo chủ lực trong một đội hình, nếu VFF có sự kết hợp tốt sẽ tạo nên sức mạnh giúp nâng tầm vị thế hơn nữa của bóng đá nước nhà.

Tuyển nữ Việt Nam cần phải được quan tâm nhiều hơn và truyền thông cần ủng hộ tích cực hơn

VFF

Tầm vóc bóng đá nữ Việt Nam đã được nâng lên một bước đáng kể thông qua việc tuyển nữ của thầy trò HLV Mai Đức Chung đã có mặt ở ngày hội lớn của bóng đá thế giới vào tháng 7 sang năm tại New Zealand. Nhưng dường như vẫn chưa có một cái nhìn đúng đắn hoàn toàn với sự đóng góp của các cô gái Việt. Một phần là sự quan tâm của khán giả dành cho đội nữ chỉ mang tính thời điểm thiếu sự bền vững, lâu dài như bóng đá nam. Phần khác giá trị thể hiện của các cầu thủ nữ chưa được xem trọng. Chính vì thế vai trò của truyền thông VFF sắp tới theo ông Vũ là cần phải góp phần giải tỏa những rào cản này, phải giúp làm thay đổi nâng tầm ảnh hưởng của bóng đá nữ, phải phát huy mạnh mẽ công tác quảng bá để hỗ trợ bóng đá nữ Việt Nam một cách khoa học và chỉn chu, đề cao thông điệp nêu cao giá trị người phụ nữ trong bóng đá nói riêng và thể thao nói chung để tạo hình ảnh đối với quốc tế và thu hút đầu tư trong nước thông qua truyền thông số.

Bóng đá hạng ba hứa hẹn sẽ được phủ sóng

Đại NỘi

Thường xuyên gặp gỡ định kỳ có thể hàng tháng để trao đổi thông tin, giúp phóng viên nắm bắt và định hướng các hoạt động bóng đá Việt Nam một cách đầy đủ, chính xác nhất và đồng thời tạo cơ hội tốt nhất để cho báo chí tác nghiệp sẽ giúp cho vai trò của truyền thông kịp thời mang đến những thông tin bổ ích nhất, nhanh nhất và góp phần thúc đầy cho bóng đá Việt Nam phát triển hơn. Ông Vũ khẳng định với giải World Cup lần đầu tiên cho bóng đá nữ Việt Nam sẽ diễn ra tại New Zealand, cần thiết nên kết nối kiều bào và các hội nhóm CĐV từ Việt Nam qua, để tạo màu sắc ủng hộ đội tuyển nữ Việt Nam, sát cánh cùng các cô gái kim cương.

Quyền chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn (trái) và ông Nguyễn Xuân Vũ (giữa) ứng viên Phó chủ tịch truyền thông

Phù ĐỔng

Còn với AFF Cup 2022, khi điều lệ thi đấu đòi hỏi các phóng viên và CĐV phải di chuyển nhiều, VFF nên có quỹ truyền thông để hỗ trợ tối đa các điều kiện tác nghiệp, di chuyển và chi phí phát sinh khác, cung cấp đầy đủ nhất và kịp thời nhất thông tin và hình ảnh về đội tuyển, cũng như đối thủ (nếu có).

Cũng theo ông Vũ bóng đá Việt Nam trong vài năm qua, đã bắt đầu quen với việc tham dự các giải đấu lớn một cách thường xuyên nhưng tầm nhìn đối ngoại chưa thực sự đa dạng cho các đội tuyển quốc gia tại các giải đấu quốc tế nên chắc chắn, VFF phải xây dựng được sợi dây liên kết bền chặt với giới truyền thông để tạo nên cái nhìn mới, có ảnh hưởng tích cực hơn để góp phần tạo ra sức mạnh thêm nữa cho bóng đá Việt Nam. Hiện tại chúng ta đang có một vị thế tốt, được ghi nhận và tôn trọng nên có những bước đà để phát triển bật vọt hơn nữa trong tương lai. Có rất nhiều bài học mà tất cả chúng ta đều có thể học từ thành công của ông Park với bóng đá Việt Nam, trong đó có bài học về khả năng quy tụ, kết nối để làm nên sức mạnh tập thể. Đầu tiên và quan trọng nhất, đó phải là sự tận tâm, tận hiến và vì cái chung.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.