Đỗ Cẩu là hậu vệ tài hoa đội tuyển miền Nam VN. Không những vậy, ông còn có hai người con là Đỗ Văn Khải và Đỗ Văn Hùng cũng đều là những hậu vệ giỏi của bóng đá VN.
Ông Đỗ Cẩu (trái) phải uống rất nhiều thuốc mỗi ngày - Ảnh: Nhựt Quang
|
Cầu thủ đa năng
Ông Đỗ Cẩu sinh năm 1946 tại Phnôm Pênh và từng chơi bóng chung với các cầu thủ xuất sắc của Campuchia. Đến năm 1970, do tình hình bất ổn ở đất nước chùa Tháp, gia đình ông quyết định về Sài Gòn làm nơi sinh sống. Từ đó, Đỗ Cẩu trở thành một phần không thể thiếu của bóng đá Sài Gòn.
Nhờ trước đó từng hành nghề sửa máy đánh chữ ở Campuchia nên vừa về Sài Gòn không lâu, ông đã thi tuyển và được nhận vào làm việc đúng chuyên môn tại Hải quân công xưởng (Nhà máy Ba Son hiện nay). Từ năm 1972, ông là cầu thủ không thể thay thế của đội tuyển miền Nam VN cho đến tháng 4.1975. Đỗ Cẩu rất tài hoa bởi ông có thể đá tốt tất cả các vị trí ở hàng thủ. Cách chơi bóng của ông trông có vẻ lãng tử nhưng rất dũng mãnh. Điểm mạnh của ông chính là khả năng phán đoán tình huống vì thế ông luôn có những pha cắt bóng chính xác, là khắc tinh của tiền đạo đối phương. Ở SEAP Games 1973, ông cùng các đồng đội Lâm Hồng Châu, Nguyễn Văn Mộng, Võ Bá Hùng, Cù Sinh, Võ Thành Sơn, Tư Lê… đoạt HCB sau khi thua đội rất mạnh thời đó là đương kim vô địch ASIAD Miến Điện (Myanmar) 2-3 trong trận chung kết. Lần cuối cùng ông khoác áo tuyển miền Nam VN là dịp dự King’s Cup vào tháng 4.1975 tại Thái Lan. Nhớ lại thời gian này, vợ ông là bà Nguyễn Thị Bổn nói: “Ông nhà tôi thi đấu ở Thái Lan đúng lúc chiến sự trong nước chưa chấm dứt, tôi rất lo vì lúc đó đang chăm cháu Đỗ Khải (cựu tuyển thủ quốc gia, Quả bóng bạc VN 2001 - PV) mới được 1 tuổi”. Ông Đỗ Cẩu cũng nhớ lại: “Cũng vì lý do này mà anh em thi đấu không tốt lắm, trong lòng ai cũng lo lắng vì sợ không có dịp sum họp với gia đình. May mà đến ngày 23.4.1975 có máy bay từ Bangkok về Sài Gòn, tất cả đều an toàn bước xuống phi trường Tân Sơn Nhất”.
Sau khi đất nước thống nhất, ông thi đấu cho đội Công nghiệp thực phẩm và sau đó làm HLV cho đội An Giang, đến năm 1987 thì nghỉ hẳn bóng đá.
Tuổi già khốn khó vì bệnh tật
Gia đình ông Đỗ Cẩu có 3 người theo nghiệp đá bóng, đều thi đấu tốt ở vị trí hậu vệ. Ngoài ông còn có hai con là Đỗ Văn Khải và em út Đỗ Văn Hùng thi đấu cho đội Hải Quan (TP.HCM). Đỗ Khải phải sớm giã từ sân cỏ vào năm 2002 khi đang ở đỉnh cao phong độ vì chấn thương đầu gối. Còn Đỗ Văn Hùng khoác áo Hải Quan, đến năm 2002 chuyển qua thi đấu cho Ngân hàng Đông Á và đến 2004 cũng nghỉ hẳn vì chấn thương.
Sức khỏe của ông Đỗ Cẩu bắt đầu suy yếu vào năm 2004, khi phát bệnh Parkinson và kéo dài suốt từ đó cho đến nay. Đã từ nhiều năm nay, ông Đỗ Cẩu không hề bước chân ra khỏi căn gác chỉ 40 m2 trên lầu 3 của chung cư ở đường Cao Bá Nhạ (Q.1), gia đình cậu út Hùng cùng ở chung với ba má mình. Cách đây khoảng hơn 3 năm, một bác sĩ ở Pháp về làm việc tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có tư vấn cho gia đình nên đặt một con chip vào não thì may ra bệnh sẽ tiến triển tốt hơn. Thế nhưng với chi phí lên đến gần 800 triệu đồng, gia đình ông không có điều kiện để lo liệu được, nên bệnh của ông càng lúc càng nặng. Thuốc trị bệnh lại có nhiều tác dụng phụ gây đau nhức ở nhiều bộ phận khác trong người, cơ bắp và xương càng lúc càng bị cứng dần khiến ông rất đau đớn.
Nói về bóng đá Sài Gòn hiện nay, ông chỉ tâm sự ngắn gọn: “Sài Gòn trước đây nhiều danh thủ đến nỗi đếm không xuể vì lúc đó bóng đá là một phần máu thịt của người dân thành phố này. Còn bây giờ do các gia đình có quá nhiều chọn lựa nên ít người trẻ chơi bóng đá say mê như trước. Vì thế tài năng bóng đá Sài Gòn ngày càng hiếm. Tôi chỉ mong sao những người lãnh đạo hãy làm hết mình với bóng đá thì may ra Sài Gòn mới tìm lại phần nào thời hoàng kim”.
Bình luận (0)