Bóng đá sống hay chết còn tùy... lãnh đạo địa phương!

04/11/2014 06:00 GMT+7

Không thể phủ nhận một thực tế, sự tồn vong của nhiều CLB bóng đá ở Việt Nam đôi khi không phụ thuộc vào ông bầu hay cầu thủ mà được quyết định hoàn toàn bởi... độ máu bóng đá của lãnh đạo địa phương.

Không thể phủ nhận một thực tế, sự tồn vong của nhiều CLB bóng đá ở Việt Nam đôi khi không phụ thuộc vào ông bầu hay cầu thủ mà được quyết định hoàn toàn bởi... độ máu bóng đá của lãnh đạo địa phương.

 
Đích thân Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Lê Hùng Dũng theo đội trong trận play-off thăng hạng - Ảnh: Khả Hòa

Tỉnh thờ ơ, đội bóng mất chỗ dựa

Trung tuần tháng 10.2014, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp liên tiếp có những cuộc họp quan trọng với lãnh đạo các sở ngành của tỉnh để bàn về tương lai CLB Cao su Đồng Tháp, sau đó chính thức “chốt hạ” bằng buổi báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy là tài chính quá khó khăn nên đội bóng không thể tồn tại.

Cách đó hai tháng, ở một địa phương khác là Quảng Ninh, lãnh đạo UBND tỉnh cũng liên tiếp có những cuộc họp quan trọng với lãnh đạo các sở ngành và cuối cùng quyết định giao đội bóng Than Quảng Ninh (TQN) cho Công ty cổ phần khai thác khoáng sản vàng Hà Giang. Đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc thông báo quyết định, sau khi công ty này tiếp quản TQN, tỉnh vẫn tài trợ mỗi mùa 10 tỉ đồng. Tỉnh sẽ bàn giao sân Cẩm Phả và Trung tâm thể thao 2 cho nhà đầu tư mới. Lãnh đạo tỉnh QN còn cam kết sẽ cùng đơn vị tiếp quản kêu gọi thêm các nhà tài trợ khác cho đội bóng.

Thêm một câu chuyện khác. Tháng 10.2013, CLB Kiên Long Bank Kiên Giang đã tuyên bố giải tán, không tham dự V-League 2014 vì không có tiền. Trả lời phỏng vấn Thanh Niên vào thời điểm đó, lãnh đạo CLB than thở rằng trước khi đội bóng tan vỡ khoảng hai tháng, CLB đã có văn bản thống thiết kêu than, kể khổ tình trạng “nguy nan” về thiếu tiền chuyển nhượng, nợ lương HLV và cầu thủ. Trong công văn này, CLB xin ý kiến tỉnh phương án tháo gỡ và cách tìm các nguồn thu, nhưng lãnh đạo tỉnh không hề có văn bản hồi âm, cũng không tiến hành bất kỳ cuộc họp nào với đội.

Từ ba ví dụ của quá khứ chưa xa cũng như của hiện tại, có thể tạm đưa ra một nhận định vừa vui vừa buồn rằng: bức tranh bóng đá VN đang hiện lên những mảng màu sáng tối rõ rệt mà ở đó, nếu lãnh đạo địa phương thờ ơ thì đội bóng mất chỗ dựa và ngược lại.

Tuần nào, lãnh đạo thành phố cũng gọi điện vài lần

HLV Nguyễn Văn Sỹ, tân HLV CLB XSKT Cần Thơ (CT), kể: “Sau 20 năm chờ đợi, CT mới thăng hạng V-League nên khán giả và lãnh đạo thành phố cực kỳ háo hức. Lãnh đạo TP.Cần Thơ rất máu bóng đá nhưng không chỉ hô khẩu hiệu suông mà bắt tay vào làm rất quyết liệt. Tuần nào, Chủ tịch thành phố cũng gọi điện cho tôi 3, 4 lần để động viên, hỏi thăm tiến độ chuẩn bị của đội. Các anh cũng tâm sự với tôi, vì không muốn CT đi theo vết xe đổ của những đội bóng láng giềng như An Giang, Kiên Giang hay Đồng Tháp nên sẽ đầu tư mạnh cho CLB, tạo điều kiện tốt nhất để đội được an toàn mùa giải tới”.

Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch TP.Cần Thơ, thể hiện sự quyết tâm cao độ: “Chúng tôi sẽ đầu tư mạnh cho lứa cầu thủ trẻ và nuôi đội 1 cho thật tốt. Nguồn ngân sách nhà nước góp chưa tới 5 - 10% quỹ hoạt động của đội nhưng chúng tôi sẽ kêu gọi xã hội hóa và hiện tại có khoảng 2, 3 công ty sẵn sàng tài trợ. Khoản kinh phí 35 tỉ đồng sẽ được lo đủ và cũng đủ cho đội trang trải trong mùa 2015. Mục tiêu trước mắt là trụ hạng thành công. Tôi xin nhấn mạnh là nếu không có sự ủng hộ của thành phố thì làm sao bóng đá hoạt động được”.

Câu khẳng định của ông Dũng khiến chúng tôi liên tưởng đến lời nói chất chứa ưu tư của cựu Giám đốc điều hành CLB Hùng Vương An Giang (AG) Võ Hoàng Phong cách đây chỉ hai tháng: “Ở thời hoàng kim, khi tỉnh AG họp thường vụ vào chiều thứ bảy, các anh lãnh đạo tỉnh thường hủy họp và nói làm việc cả tuần rồi, thôi thứ bảy đi xem đá bóng, họp chuyển sang thứ hai. Thế rồi tất cả lãnh đạo tỉnh cùng đi xem. Có lẽ điều đó tạo nên sức mạnh tinh thần và kéo theo sức mạnh vật chất cho AG, giúp đội trở lại V-League 2013 sau 16 năm chờ đợi. Nhưng buồn thay, sau thất bại trước CT ở trận play off, UBND tỉnh An Giang đã quyết định đặt dấu chấm hết cho đội bóng này ở giải hạng nhất”.

Năm 2014, CLB AG được tỉnh hứa sẽ chu cấp 40 tỉ đồng, gồm 20 tỉ từ doanh nghiệp Hùng Vương, 16 tỉ từ ngân sách và Sở VH-TT-DL lo 4 tỉ còn lại. Nhưng cả một mùa bóng, AG phải “ăn đong” từng bữa, nợ nần lương thưởng chồng chất do các nguồn tài trợ không đúng như cam kết. Cộng với thất bại trong tăng trưởng kinh tế năm 2013, lãnh đạo tỉnh từ chỗ mặn mà với bóng đá chuyển sang thái độ lãnh đạm và cuối cùng là buông xuôi, không giúp đội bóng tỉnh mình tìm nhà tài trợ khác khi doanh nghiệp Hùng Vương nói lời tạm biệt.

Một quan chức Liên đoàn Bóng đá VN nói, khi đội Kiên Giang sắp giải thể, ông đã rất hy vọng tỉnh Kiên Giang sẽ xắn tay tìm nhà tài trợ khác trám chỗ Ngân hàng Kiên Long. “Tỉnh này không thiếu doanh nghiệp ăn nên làm ra, chẳng hạn như Công ty xi măng Hà Tiên. Họ cũng sở hữu đảo Phú Quốc vừa được Chính phủ công nhận đô thị loại 2, có tiềm năng khai thác du lịch cực tốt. Chẳng lẽ tỉnh không huy động được các chủ doanh nghiệp tại Phú Quốc hỗ trợ cho đội bóng? Chỉ tiếc là bóng đá không nằm trong đường hướng phát triển của tỉnh này”, vị quan chức này nói.

Xin kết bài bằng lời tâm sự của ông Nguyễn Hồng Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thể thao Sông Lam Nghệ An: “Sự đam mê, nhiệt huyết và tình yêu với bóng đá của lãnh đạo địa phương đóng vai trò cực kỳ quan trọng, có thể nói chiếm 100% vào sự tồn tại của một CLB. Khi trái tim họ không dành cho bóng đá kèm với những điều kiện khó khăn khách quan khác thì bóng đá chỉ là thứ yếu”.

CLB Đồng Tháp được cứu vào phút cuối ?

Tối 3.11, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) cho biết: “Ngày 1.11, tôi đã có cuộc làm việc với Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Đồng Tháp và sau đó cũng đã gặp gỡ một số lãnh đạo tỉnh để chia sẻ những phương thức giữ lại đội bóng.

Có rất nhiều cách để làm ra tiền nuôi đội bóng, trong đó có sự đồng lòng của các doanh nghiệp. Nếu không tìm được một nhà tài trợ đầu tư hàng chục tỉ đồng cùng lúc thì kêu gọi nhiều doanh nghiệp  khác nhau. Đồng Tháp có tuyến trẻ tốt, nếu giải tán thì tiếc vô cùng. Tôi tin rằng Đồng Tháp sẽ ở lại V-League 2015”. 

Bóng đá đưa vào nghị quyết tỉnh

Không ít lần trên báo chí, Chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ đã phải tự hào thốt lên: “Thanh Hóa có lẽ là địa phương độc nhất vô nhị trên toàn quốc khi bóng đá được đưa vào nghị quyết. Dù bận trăm công, nghìn việc nhưng từ chủ tịch tỉnh, thường trực cũng như lãnh đạo tỉnh ủy vẫn rất quan tâm đến đội trong suốt cả tuần.

Lãnh đạo quan tâm từ bữa ăn, giấc ngủ, buổi tập, tinh thần, tính kỷ luật của đội bóng. Thường trực UBND tỉnh cũng đã đưa ra sáng kiến, tỉnh sẽ đầu tư vào đào tạo trẻ, phát động phong trào cộng đồng doanh nghiệp có tâm, có tiền dành kinh phí cho đội bóng. Chủ tịch UBND tỉnh giao đội bóng cho Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh quản lý. Ai có nhiều hỗ trợ nhiều, tùy tâm, tùy lực, 5 triệu, 10 triệu, 1 tỉ đồng đều được đội bóng đánh giá cao”.

Lan Phương

>> U.19 Việt Nam bổ sung Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất V-League 2014
>> Anh Đức xuất sắc nhất V-League 2014
>> Vòng cuối V-League 2014: Đà Nẵng suýt phá hỏng ngày vui của Bình Dương
>> Bình Dương tổ chức hoành tráng lễ rước cúp vô địch V-League 2014

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.