Bóng đá Thái Lan cho Việt Nam ‘ngửi khói’: Bài học thấm thía từ chính người Thái

30/12/2016 15:30 GMT+7

Sẽ là thiếu cơ sở khi chúng ta kỳ vọng trong thời gian ngắn nữa, đội tuyển Việt Nam có thể vượt qua tuyển Thái Lan - vốn đang sở hữu một thế hệ rất nhiều tài năng.

1. Tháng 3.2002, làng bóng đá Việt Nam như sôi lên với sự kiện “Zico Thái” – Kiatisak Senamuang – đầu quân cho CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Rất đông phóng viên thể thao nhận được lời mời của ông chủ CLB – Đoàn Nguyên Đức – tham gia vào chuyến tháp tùng tiền đạo số 1 của tuyển Thái Lan từ TP.HCM lên phố núi Pleiku. Dù vậy, đây đó trên dư luận vẫn còn những mối ngờ: “Sắc” có thể đáng gờm trong màu áo tuyển Thái, nhưng liệu có hiệu quả không khi thuê anh ta trong vai trò 1 cầu thủ ngoại – vị trí mà nhiều CLB khác thường dành cho các chân sút đến từ châu Phi, Nam Mỹ hoặc Đông Âu vốn có nền tảng vượt trội cả về thể hình, thể lực, kỹ thuật lẫn tư duy chiến thuật?
Nhưng Kiatisak đã cho thấy đây là một quyết định đầu tư rất đúng đắn của Hoàng Anh Gia Lai và bầu Đức. Nổi tiếng cùng thời với những Huỳnh Đức hay Hồng Sơn của Việt Nam, nhưng Kiatisak được cho là ở đẳng cấp cao hơn khi là cầu thủ Đông Nam Á đầu tiên từng chơi bóng tại châu Âu (cho CLB Huddersfield tại giải hạng nhất của Anh). Trong màu áo HAGL, Kiatisak đã đóng góp rất nhiều, không chỉ trong tư cách 1 cầu thủ (chơi ở vị trí tiền đạo hoặc tiền vệ tấn công) mà còn là tấm gương cho mọi cầu thủ khác về ý thức chuyên nghiệp với nghề. Tuy không ghi bàn nhiều như những vua phá lưới như Achilefu, Amaobi hay Kesley Alves, nhưng ảnh hưởng của “Sắc” tới đội bóng thì lớn hơn rất nhiều. Anh tự học và nói thành thạo tiếng Việt, thường xuyên được ghi nhận về ý chí tự rèn luyện ngoài giờ tập luyện cùng các đồng đội.
Trong 2 mùa đầu tiên thi đấu rất thành công ở V-League, Kiatisak cùng các đồng đội như tiền vệ Dusit, Tawan và sau đó là trung vệ Chukiat, tỏ ra không hề thua kém gì các ngoại binh từ các châu lục khác. Chất lượng của các tuyển thủ Thái Lan đã được ghi nhận, từ đó tạo nên một “làn sóng” thuê cầu thủ Thái của những CLB Việt Nam, với các danh thủ như Pipat Thongkaya, Issawa Singthong, Apisit Kaikaew hay Datsakorn Thonglao...
Tôi từng gặp gỡ và tâm sự với Kiatisak, nhận thấy ở anh chàng không chỉ tính chuyên nghiệp về chuyên môn mà cả sự hòa đồng, nền nã và mẫu mực về tính cách cũng như trong cuộc sống. Kiatisak từng cười và nói bằng tiếng Việt: “Sắc cũng bình thường thôi. Mình là cầu thủ chuyên nghiệp mà. Các đồng đội của Sắc đều thế cả”.
Vâng, các tuyển thủ Thái Lan đều thế (Issawa, Apisit đều nói tiếng Việt rất giỏi), trong khi các tuyển thủ Việt Nam cùng thế hệ với anh thì không phải ai cũng được thế. Chỉ một số đạt tới trình độ chuyên môn xấp xỉ với nhóm các ngôi sao Thái Lan, và không ai có được sự toàn diện và mẫu mực như “Sắc”!
2. Không chỉ cầu thủ mà các HLV người Thái Lan cũng từng có thời được trọng dụng trong bóng đá Việt. Người đầu tiên là Arjhan Somgamsak, người đã đưa HLV giành chức vô địch V-League 2 mùa liên tiếp (2003, 2004). Chính việc thuê HLV người Thái này đã giúp HAGL tận dụng tối đa chuyên môn và tính chuyên nghiệp của các tuyển thủ Thái trong 2 mùa giải ấy.
Sau Somgamsak, HAGL tiếp tục được dẫn dắt bởi các HLV người Thái khác như Kiatisak (cầu thủ kiêm HLV vào mùa giải 2006), Chatchai Paholpat (trước đó là HLV đội tuyển Thái năm 2004) và Dusit Chalermsaen (cưu tuyển thủ Thái).
Kiatisak có thể giao tiếp thoải mái bằng tiếng Việt Trí Thiện
Và tên tuổi nổi bật nhất trong các HLV người Thái Lan vẫn chính là Kiatisak. Anh vừa kỷ niệm tròn 10 năm hành nghề HLV với thành công cùng đội tuyển Thái Lan tại AFF Suzuki Cup 2016, ngôi vô địch bóng đá thứ 4 trong khu vực mà anh đạt được cùng các đội tuyển nước này, trong đó có 2 lần tại SEA Games và 2 kỳ AFF Cup liên tiếp.
Thành công của Kiatisak với đội tuyển Thái Lan chính là động lực khiến lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam sau này đã đặt niềm tin vào Nguyễn Hữu Thắng sau khi kết thúc hợp đồng với HLV Miura. Nhiều người đã kỳ vọng rằng Hữu Thắng sẽ giúp tạo nên một luồng sinh khí mới nơi đội tuyển Việt Nam tương tự như những gì Kiatisak làm được với đội tuyển quốc gia và đội Olympic Thái Lan. Nhưng “có bột mới gột nên hồ”...
3. Đội tuyển Thái Lan góp mặt tại AFF Suzuki Cup 2016 là một tập thể trẻ trung, nhưng số đông đã thi đấu với nhau liên tục qua 3 năm liền, qua các giải đấu lớn như SEA Games 27 năm 2013, Asiad 17 và AFF Cup năm 2014 và SEA Games 28 năm 2015. Nói cách khác, cùng với vị “tướng trẻ” Kiatisak, Thái Lan đã sớm trẻ hóa đội tuyển và gặt hái thành công với những quyết sách này.
Trong đội tuyển ấy có Teerasil từng chơi bóng tại La Liga trong màu áo Almeria và “học nghề” tại Manchester City; có Chanathip Songkrasin từng được xem là thần đồng trong màu áo Muangthong tại Thai League và sẽ khoác áo Sapporo – đội bóng mà Công Vinh cũng từng đầu quân khi còn ở J-League 2, nhưng nay đã góp mặt tại J-League 1; có Charyl Chappuis từng chơi bóng cho các đội tuyển trẻ Thụy Sĩ... Nói cách khác, về chất lượng nguồn nhân lực, đội tuyển Thái Lan hiện tại vượt trội so với Việt Nam cũng như “phần còn lại” của Đông Nam Á. Với “chất bột” ấy, công việc của HLV trưởng Kiatisak hẳn nhiên sẽ “nhàn” hơn rất nhiều so với đồng nghiệp bên phía Việt Nam - Nguyễn Hữu Thắng hoặc đối thủ của anh trong 2 trận chung kết: HLV Alfred Riedl.
Đội tuyển Thái Lan hiện tại đang sở hữu rất nhiều tài năng AFP
4. Sẽ là thiếu cơ sở khi chúng ta kỳ vọng trong thời gian ngắn nữa, đội tuyển Việt Nam có thể vượt qua tuyển Thái Lan - vốn đang sở hữu một thế hệ rất nhiều tài năng như vậy. Người Thái thậm chí đã vạch ra một kế hoạch dài hơi để chinh phục tấm vé dự World Cup vào năm 2022 với một lứa tài năng trẻ độ tuổi từ 16-18 đang gửi đi đào tạo ở Anh và các CLB chuyên nghiệp.
Chúng ta đương nhiên có quyền nuôi giấc mơ “vượt qua Thái Lan”, nhưng cần có cơ sở thực tiễn, bao gồm nâng chất từ hệ thống bóng đá chuyên nghiệp, nâng chất đào tạo trẻ (một cách toàn diện từ phương pháp huấn luyện tới áp dụng khoa học kỹ thuật trong huấn luyện và đào tạo), củng cố các đội tuyển quốc gia...
Và tất nhiên, chúng ta cũng rất cần cả tư duy đột phá trong công tác quản lý, điều hành bóng đá, bắt đầu từ chính sự chuyên nghiệp nơi Liên đoàn bóng đá Việt Nam!

tin liên quan

Thái Lan đe dọa mộng vàng SEA Games 2017 của Việt Nam
Để biến giấc mơ vàng SEA Games 2017 thành hiện thực, mới chỉ có bầu Đức rộn ràng lên kế hoạch cho cầu thủ của mình đá mùa giải mới V-League nhằm duy trì phong độ lẫn sự ăn ý với nhau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.