“Cuộc chiến” bản quyền truyền hình giữa một bên là VFF - AVG và bên kia là VPF chắc hẳn chưa kết thúc ở kết luận của Ban Thanh tra Bộ VH-TT-DL, vì ở kết luận đó, ngay trên khía cạnh pháp lý đã có vấn đề.
Ai cũng biết, VFF là một tổ chức hội đoàn, ban lãnh đạo được bầu ra theo nhiệm kỳ 5 năm. Khi ban lãnh đạo một nhiệm kỳ lại toàn quyền ký một hợp đồng kinh tế kéo dài tới 20 năm, nghĩa là bao trọn cả 4 nhiệm kỳ, thì ba nhiệm kỳ sắp tới kia có quyền xem lại hợp đồng ấy.
Nếu cả ba nhiệm kỳ sau đều không tán thành bản hợp đồng ấy, thì điều gì sẽ xảy ra? Ban lãnh đạo của một nhiệm kỳ không thể đại diện cho ý chí và nguyện vọng của ban lãnh đạo ba nhiệm kỳ kế tiếp. Đúng ra, ban lãnh đạo VFF nhiệm kỳ này có toàn quyền ký một hợp đồng về bản quyền truyền hình (BQTH) với AVG hay với ai đó, nhưng thời hạn chỉ nằm trọn trong nhiệm kỳ của mình. Chính cách ký hợp đồng theo kiểu “bán lúa non” cho cả “ba mùa sau” đã khiến dư luận bất bình. Không ai dám chắc số tiền VFF đã ký với AVG như thế là ít hay nhiều, nhưng ai cũng cảm thấy có gì đó không sòng phẳng, không minh bạch trong kiểu ký hợp đồng dài tới 20 năm này.
Ai biết, 20 năm sau điều gì sẽ xảy ra, và lúc đó bóng đá VN sẽ thế nào? Vả lại, nếu số tiền hợp đồng VFF thu hằng năm là 6 tỉ đồng, VFF giữ cho mình 3 tỉ, 3 tỉ còn lại chia đều cho mấy chục CLB bóng đá, thì thử hỏi số tiền thực nhận của bóng đá VN sẽ là bao nhiêu? Chưa kể, trong số 3 tỉ đồng giữ lại ấy, VFF sẽ chi cho đội tuyển quốc gia bao nhiêu, đội tuyển U.23 bao nhiêu, bóng đá nữ quốc gia bao nhiêu, các đội tuyển trẻ bao nhiêu… Nếu tính chi li ra, mỗi đội tuyển cũng chẳng nhận được bao nhiêu từ khoản tiền gọi là bán BQTH này, và không thể nói với khoản tiền quá ít ỏi đó, bóng đá VN sẽ được “chắp cánh” để “bay lên” (?).
Từ khi bóng đá VN biết tới BQTH, thì gần như nó chưa được nhận từ khoản tiền BQTH này bao nhiêu cả, vì thế, có lẽ trước khi tính đến chuyện bán BQTH bóng đá, VFF nên xây dựng hẳn một quy chế được pháp luật thừa nhận về BQTH và cách thức bán nó, sau đó mới tiến hành “đấu thầu” BQTH, và cuối cùng mới là ký những bản hợp đồng có thời hạn hợp lý trong phạm vi quyền hạn của mình với những điều khoản chặt chẽ về chuyện gia hạn hay nâng giá trị hợp đồng.
Nếu VFF làm việc một cách bài bản, công khai, minh bạch như thế về một vấn đề kinh tế còn rất mới mẻ đối với VN là BQTH bóng đá, thì đã chẳng có những chuyện đôi co phức tạp xảy ra để thanh tra phải vào cuộc. Tôi nghĩ, với tình hình này, chắc câu chuyện sẽ không dừng lại ở thanh tra Bộ VH-TT-DL, mà có khi còn ở cấp thanh tra cao hơn nữa. Chỉ có điều, người hâm mộ bóng đá VN chỉ biết bức xúc chứ không thể khiếu kiện, và họ cũng không có thời giờ để làm việc đó, hay để đặt niềm tin của mình vào các kết luận thanh tra. Bóng đá VN nói chung, cũng không làm được việc khiếu kiện đó. Đành cứ lầm lũi như lâu nay, khi chưa có BQTH, cứ tiếp tục vùng vẫy ở “vùng trũng” bóng đá Đông Nam Á, và chưa biết tìm một nguồn lực thực tế nào về tài chính để vươn lên.
Nhân đây cũng xin nói, trong cuộc họp báo của AVG, người lãnh đạo tập đoàn này đã có nhiều câu trả lời hơi “xóc óc” với báo chí, và cũng dùng một số từ ngữ dễ xúc phạm người hâm mộ bóng đá, kiểu như “cái trò mèo ấy”... Và những hứa hẹn của AVG với bóng đá VN, nghĩ cho cùng, cũng mới chỉ là… lời hứa. Người hâm mộ chờ xem, với AVG, bóng đá VN sẽ phát triển như thế nào? Quả thật, nói như ông cha mình, thì “nói trước bước khó qua”.
Thanh Thảo
Bình luận (0)