Bóng đá Việt Nam và xu hướng nhập tịch: Giữa lằn ranh tranh cãi

05/10/2024 04:34 GMT+7

Giữa thời điểm thành tích của đội tuyển VN dần đi xuống, nhiều người bày tỏ đồng tình với phương án trao cơ hội cho cầu thủ nhập tịch không có gốc gác VN.

CÂU CHUYỆN Ở QUÁ KHỨ VÀ HIỆN TẠI

HLV Henrique Calisto là người tiên phong trong việc triệu tập cầu thủ nhập tịch không có gốc gác VN lên đội tuyển. Năm 2008, ông cho Phan Văn Santos (gốc Brazil) bắt chính trong trận giao hữu với Olympic Brazil. Một năm sau, Đinh Hoàng La (gốc Ukraine) và Đinh Hoàng Max (gốc Nigeria) được trao cơ hội ở cuộc đối đầu CLB Olympiakos (Hy Lạp), còn Huỳnh Kesley (gốc Brazil) thi đấu trong trận giao hữu với đội tuyển Kuwait. Tuy nhiên, họ chưa lần nào được chơi cho đội tuyển VN ở các giải đấu chính thức và cũng là những cầu thủ nhập tịch cuối cùng được triệu tập. Sau đó, khi HLV Calisto rời "ghế nóng", đội tuyển VN chỉ dùng cầu thủ bản địa và Việt kiều, dù cũng có nhiều cầu thủ nhập tịch chất lượng như Đỗ Merlo (gốc Argentina), Nguyễn Van Bakel (gốc Hà Lan), Hoàng Vũ Samson (gốc Nigeria) hay Trần Trung Hiếu Kizito (gốc Uganda).

Bóng đá Việt Nam và xu hướng nhập tịch: Giữa lằn ranh tranh cãi- Ảnh 1.

Thủ môn Phan Văn Santos từng được HLV Calisto cho bắt chính trong trận giao hữu giữa đội tuyển VN với Olympic Brazil

ẢNH: KHẢ HÒA

Năm 2019, một quan chức của Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) nói: "Chúng tôi sở dĩ chưa gọi cầu thủ nhập tịch vì muốn đội tuyển VN mang bản sắc riêng của người Việt". Phan Văn Santos chỉ hát quốc ca Brazil, im lặng trong phần cử quốc thiều VN vào năm 2008 đã trở thành hình ảnh gây mất thiện cảm trong mắt nhiều người. Đó cũng là lý do sau này nhiều cầu thủ nhập tịch chia sẻ niềm khao khát được khoác áo đội tuyển VN thông qua việc tìm hiểu ngôn ngữ, văn hóa… VN. Điển hình là việc Hendrio Araujo của CLB Nam Định thuê gia sư để học tiếng Việt. Anh tiết lộ với Thanh Niên rằng mình sẽ được CLB Nam Định hỗ trợ trong việc xin quốc tịch VN vào năm sau.

Cũng trong năm 2019, cựu chủ tịch VFF Lê Khánh Hải nêu quan điểm: "Nếu gọi cầu thủ nhập tịch mà không tính đến mục tiêu phát triển đào tạo trẻ, không chịu sử dụng cầu thủ trẻ thì chất lượng bóng đá VN không đi vào thực chất và dẫn đến hình ảnh đội tuyển sẽ không được nâng cao". Thời điểm đó, bóng đá VN vươn lên đến đỉnh trong giai đoạn đầu của "triều đại" HLV Park Hang-seo nhờ dàn cầu thủ đồng đều và đang vào độ chín. Nhưng sau 5 năm thì tình hình đã khác. Đội tuyển VN đã có giai đoạn trượt dài, rơi khỏi tốp 100 trên bảng xếp hạng FIFA và đang nỗ lực trở lại. Vì thế, không ít người cho rằng giờ là lúc các cầu thủ nhập tịch như Nguyễn Xuân Son (gốc Brazil) được gọi lên đội tuyển VN, qua đó giúp nền bóng đá sôi động trở lại.

Bóng đá Việt Nam và xu hướng nhập tịch: Giữa lằn ranh tranh cãi- Ảnh 2.

Không ít người cho rằng cầu thủ nhập tịch Nguyễn Xuân Son (gốc Brazil) nên được gọi lên đội tuyển VN

ẢNH: MINH TÚ

NG HỘ HAY KHÔNG ?

Chia sẻ với Thanh Niên, bình luận viên (BLV) Vũ Quang Huy nhận định nhập tịch là xu hướng của bóng đá thế giới. Đã và đang có nhiều đội tuyển quốc gia tiếp nhận những ngôi sao gốc gác nước ngoài, hoặc thuần túy là người nước ngoài nhưng có đủ thời gian thi đấu ở nước sở tại. Trong đó, nổi bật là trường hợp của Tây Ban Nha khi "chiêu mộ" Diego Costa (gốc Brazil) hay Robin le Normand (gốc Pháp).

Ở châu Á, những nền bóng đá như Trung Quốc, Malaysia, Hồng Kông, Thái Lan, Campuchia, thậm chí Sri Lanka, Guam cũng mang rất nhiều tài năng từ ngoại quốc về. Là ông lớn của bóng đá châu Á, nhưng hơn 2 thập niên trước, Nhật Bản cũng dùng những ngôi sao nhập tịch đến từ Brazil để chinh chiến ở World Cup.

"Khi nói đến chuyện nhập tịch, nhiều người lấn cấn về trường hợp của Indonesia. Đúng là đội bóng của HLV Shin Tae-yong hiện tại nhập tịch những cầu thủ mang nửa dòng máu Indonesia. Nhưng cách đây vài năm, chính đội Indonesia cũng từng mở cửa chào đón những cầu thủ đến từ Argentina hay Uruguay, vốn không có gốc gác Indonesia. Cho đến khi tìm được các tài năng đang chơi bóng tại Hà Lan hay Anh, Indonesia mới thay đổi chính sách. Hay bóng đá Nhật Bản mạnh mẽ là vậy, song cũng từng có giai đoạn nhập tịch những cầu thủ đến từ Brazil không có chút dòng máu Nhật Bản (như Wagner Lopes, Alessandro dos Santos) thi đấu ở World Cup cách đây 20, 30 năm", BLV Quang Huy phân tích.

"Nhập tịch những cầu thủ có gốc gác VN vẫn là phương án tối ưu, bởi những cầu thủ này mang hồn cốt VN, dễ nhận được thiện cảm. Nhưng với những cầu thủ nước ngoài đã sinh sống nhiều năm ở VN, hãy mạnh dạn tạo cơ hội cho họ. Sự xuất hiện của các cầu thủ nhập tịch sẽ bổ sung những gì đội tuyển VN còn thiếu", BLV Quang Huy nhấn mạnh.

Với trường hợp Nguyễn Xuân Son, chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng sự hiện diện của chân sút này sẽ nâng cấp hàng tiền đạo của đội tuyển VN. Dù vậy, ông Xương khẳng định nhập tịch cần có chọn lọc kỹ càng, với kế hoạch bài bản và cụ thể. "Chúng ta cần phân tích vị trí nào đang thiếu tài năng, nhập tịch những ai, cầu thủ ấy có phù hợp không, phục vụ giải đấu nào… Không thể nhập tịch ồ ạt, mà cần làm từng bước cẩn trọng và nghiên cứu hiệu quả, kết hợp với đào tạo các tài năng trẻ trong nước. Đội tuyển VN cần chiến lược phát triển con người cho từng giải đấu, không để lệ thuộc vào một nguồn cầu thủ cố định nào", ông Đoàn Minh Xương phân tích.

BLV Quang Huy đồng quan điểm khi cho rằng muốn nhập tịch, đội tuyển VN cần chọn lọc những cầu thủ yêu màu áo VN, biết hát quốc ca, có khát khao cống hiến và thấu hiểu văn hóa, con người nơi đây. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.