Biết ơn thầy Park!
Thật tiếc cho HLV Park Hang-seo, vì giải cuối cùng dẫn dắt tuyển Việt Nam đã không được mãn nguyện. Tại AFF Cup 2022, nhiều tuyển thủ của chúng ta đã không thể thi đấu đúng sức mình, phần vì phong độ, phần có lẽ cũng bởi tâm lý không tốt. Sự thật là, trong thể thao, sự hưng phấn quá độ cũng không phải tốt tốt, bởi dễ gây nên trạng thái trương lực.
Đội tuyển Việt Nam đang là sự kết hợp của nhiều lứa tuổi |
ĐỘC LẬP |
Khi ấy, tinh thần của các cầu thủ dễ không được kiểm soát tốt, trở thành những cái đầu nóng, kỷ luật đấu pháp cũng không đảm bảo, sự thanh thoát và tinh tế giảm sút đi; và đương nhiên, tính chính xác và hiệu quả cũng vì thế không còn nữa. Trong bối cảnh ấy, tuyển Việt Nam đã không thể thi triển được những gì tinh tuý nhất, như họ từng làm được tại vòng loại thứ 3 World Cup mới cách đây chưa lâu, trước những đối thủ hàng đầu châu lục. Mối tương quan với Thái Lan - vốn được cho là “kẻ tám lạng, người nửa cân” bỗng dưng thành như khá chênh lệch (dù cách biệt tỷ số cũng chỉ tối thiểu mà thôi).
Ông Park để lại dấu ấn đậm nét tại Việt Nam |
ĐỘC LẬP |
Nhưng sau trận đấu, vẫn như mọi khi, cùng với lời xin lỗi người hâm mộ Việt Nam, HLV Park Hang-seo nhận hết lỗi về phía mình. Ông biết đây đó trên công luận đã có nhiều ý kiến đại loại: “Thầy Park hết bài rồi”, nhưng ông không thanh minh, bao biện hay đổ lỗi. Đấy là sự chính trực và bản lĩnh rất đáng ghi nhận của một vị tướng đánh trận.
Số đông giới chuyên môn cũng như người hâm mộ của chúng ta không hề nghiệt ngã sau một thất bại như thế. Họ hiểu rằng trong bóng đá nói riêng và thể thao đỉnh cao nói chung, không thể luôn yêu cầu phải có chiến thắng. Luôn có những thời điểm phong độ lên hay xuống, vì nhiều lý do. Chẳng phải cũng từng có thời gian đội tuyển Thái Lan chơi tệ hại ở AFF Cup, thậm chí bị loại ngay từ vòng bảng đấy sao?
Chúng ta hãy ghi nhớ tư duy đột phá mà HLV Park Hang-seo đã mang đến cho lứa tuyển thủ này. Từ sự gần gũi với cầu thủ, xem họ như con em mình; tới cách cầm quân, nhìn người và dùng người rất “dị”, tới cách giúp các cầu thủ tự khám phá bản thân, thoát ra cái vỏ bọc an toàn của mỗi người để tạo nên một tập thể mạnh. Vậy nên, có thể khẳng định: Chưa bao giờ chúng ta có một đội tuyển quốc gia giàu bản lĩnh đến thế, không chút e ngại khi phải đối đầu với ngay cả những đối thủ mạnh hàng đầu của châu lục. Những chiến tích của các đội tuyển dưới “thời” của thầy Park là bằng chứng.
Những bài học kinh nghiệm từ thành công của HLV Park Hang-seo và các đội tuyển được ông dẫn dắt nhiều vô kể, thiết thực và có giá trị với mọi HLV bóng đá Việt Nam.
Không ảo tưởng sức mạnh nhưng xin đừng bi quan!
Trở lại với câu chuyện của đội tuyển quốc gia nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung thời “hậu thầy Park”. Đây đó trên công luận đã có tư tưởng lo âu. Người ta e ngại rằng chúng ta sẽ chưa thể có ngay được một thầy Park thứ 2, e ngại rằng nền tảng của bóng đá Việt Nam còn nhiều yếu kém và thậm chí, sự vượt trội của Thái Lan ở chung kết AFF Cup 2022 là dấu hiệu cho thấy một sự suy thoái trong tương lai.
Ông Park không thể chạm tay vào chức vô địch AFF Cup 2022 nhưng sự cống hiến của ông cho bóng đá Việt Nam là rất to lớn |
ĐỘC LẬP |
Để phân tích ngọn ngành có lẽ cần xem xét tới nhiều yếu tố. Về mặt nền tảng, tôi cho rằng bóng đá Việt Nam bây giờ đã khác xa so với cái thời chưa đá đã thua khi gặp Thái Lan hay các đội tuyển mạnh khác. Hệ thống bóng đá trẻ đã được quan tâm, đầu tư hơn rất nhiều, với tư duy thay đổi ngay từ lãnh đạo các CLB. Cũng nhờ vậy, chất lượng cầu thủ của chúng ta đã được nâng lên rất đáng kể. Đừng quên rằng ở ngay lứa trẻ từ U.20 đến U.23 của chúng ta vẫn đang có nhiều tài năng triển vọng. Thành công của các đội tuyển thời HLV Park Hang-seo đến từ chính nguyên nhân này.
Một điều đáng quan tâm nữa, nhìn vào đội tuyển vừa thất bại (trong mục tiêu giành cúp vô địch) AFF Cup vừa qua, chẳng phải đa số đều đang ở độ chín về chuyên môn, nhiều người mới qua lứa U.23, chưa hề là già trong ít nhất 1-2 năm nữa, khi vòng loại World Cup 2026 khởi tranh. Thậm chí, xét về tuổi tác, một số còn đá được tới vòng loại World Cup 2030.
Giấc mơ World Cup vẫn còn đấy, dẫu để hiện thực hoá nó là rất khó khăn, đòi hỏi rất nhiều yếu tố đồng bộ. Việc nâng số đội tham dự World Cup (bắt đầu từ 2026) từ 32 lên 48, trong đó có 8 hoặc 9 suất cho châu Á, đồng nghĩa với gia tăng cơ hội cho tuyển Việt Nam - vốn thuộc nhóm 2 hoặc nhóm 3 của châu lục (sau những Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út, Úc và Iran). Nhưng những UAE, Qatar, Iraq, Oman, Trung Quốc hay Thái Lan đều thuộc diện đối thủ cạnh tranh có thể ngăn cản việc biến giấc mơ ấy thành thực tế.
Bởi vậy, chẳng có gì đáng để bi quan về mối tương quan với bóng đá Thái Lan chỉ sau 1 giải đấu. Việc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đang xây dựng và triển khai kế hoạch tổng quan với “tầm nhìn World Cup 2030” rất đáng ghi nhận. Hãy cùng tin rằng bóng đá Việt Nam sẽ không hề mất phương hướng sau khi chia tay HLV Park Hang-seo, mà đã có lộ trình phát triển rõ ràng trên cơ sở cộng hưởng sức mạnh và đẩy mạnh tính chuyên nghiệp. Người sẽ thay thế thầy Park dẫn dắt đội tuyển Việt Nam trong thời gian tới - dù nổi tiếng thế nào - cũng chỉ là một mảnh ghép trong bức tranh tổng thể ấy mà thôi.
Chưa biết giấc mơ World Cup liệu có thành không, nhưng chúng ta hãy cứ lạc quan để hướng về phía trước, kể cả khi không còn song hành cùng ông Park.
Bình luận (0)