Không có quy trình hoạch định chiến lược rõ ràng cho bóng đá Việt Nam - Ảnh: Khả Hòa |
Thất bại của đội tuyển VN ở AFF Cup 2012 đã vỡ ra nhiều vấn đề, trong đó VFF còn quá nhiều thiếu sót và chưa dũng cảm đối mặt với sự thật.
Giám đốc kỹ thuật, ông ở đâu ?
Từ lâu, cách tổ chức, vận hành của nền bóng đá VN thông qua hình ảnh của V-League và các đội tuyển còn rất nhiều lỗ hổng mà lẽ ra VFF phải có một cách làm khoa học, hoạch định một chiến lược ngắn hạn và dài hạn với những người thực sự tâm huyết và sâu sát để từng bước tháo gỡ, làm lại bóng đá VN. Thế nhưng, dư luận cứ kêu ca, VFF cứ phớt lờ, đến giải VĐQG thì lại đối phó hoặc đẩy hết cho VPF, tập trung đội tuyển thì không chu đáo, chạy theo từng vụ việc nhỏ nhặt mà không có định hướng rõ ràng.
Thiếu sót lớn nhất của VFF chính là không có một giám đốc kỹ thuật (GĐKT) làm vai trò của tổng công trình sư. Trên thế giới, hầu như nền bóng đá nào cũng có một hay một nhóm chiến lược gia cho các đội tuyển. Và với VN, điều này đã được đặt ra từ gần 10 năm qua, nhưng VFF vẫn kiên quyết nói không. Có GĐKT, hệ thống huấn luyện sẽ được bảo đảm xuyên suốt và thống nhất từ các tuyến U cho đến đội tuyển. Khi đó, lối chơi của bóng đá VN được hình thành một cách căn cơ, chứ không như hiện nay đội tuyển đá theo kiểu của tuyển, U.22 đá kiểu U.22, U.19 đá kiểu U.19. Có GĐKT, công tác đào tạo trẻ sẽ được chăm chút hơn vì khi đó vai trò của Hội đồng huấn luyện hỗ trợ các tuyến của đội tuyển sẽ không hữu danh vô thực, mà sẽ giúp uốn nắn, chỉ dẫn cho các tuyến trẻ từng bước trưởng thành.
Có GĐKT, sẽ không có chuyện đội tuyển suốt 20 ngày từ sau trận gặp Malaysia (3.11) chỉ tập chay mà không có một trận đấu quốc tế nào đúng nghĩa để củng cố tinh thần, hâm nóng tâm lý và tạo nhịp điệu, tăng dần cường độ khi vào giải. Các đội như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore, thậm chí các đội dự VCK Euro vừa rồi đến sát giải 5-7 ngày vẫn còn thi đấu để giúp cầu thủ có trạng thái hưng phấn nhất, chứ không như cách VFF tự làm nguội lạnh đôi chân và cái đầu của cầu thủ với lý do duy nhất - sợ chấn thương! Chính vì suy nghĩ hạn hẹp cũng như thiếu một “đầu tàu” cứng về chuyên môn trong vai trò GĐKT như vậy, nên việc xây dựng các đội tuyển không chu đáo, làm theo kiểu được chăng hay chớ, và dĩ nhiên không thể có được phong độ, sức bật như mong muốn. Khi cầu thủ không “nóng máy” thì đội tuyển không có lửa chiến đấu là điều tất yếu.
Sự dũng cảm và thẳng thắn
Thiếu sự động viên đúng nghĩa, đúng lúc cũng là bài học nhãn tiền mà VFF vẫn chưa rút ra được. Bóng đá VN đang thiếu tiền, các CLB đang khó khăn tài chính, bản thân VFF cũng không còn rủng rỉnh tiền bạc như mọi khi, nên không ai bắt VFF phải đề ra mức thưởng cho đội tuyển kiểu 1 triệu USD như với U.23 VN năm rồi. Nhưng trong thời buổi kinh tế thị trường, cầu thủ rất thực dụng, thì VFF phải có “chiêu” để kích thích tinh thần, nỗ lực và ý chí phấn đấu của đội, chứ không phải ngó lơ, thiếu sốt sắng để đưa ra những phần thưởng khích lệ. Lãnh đạo VFF luôn đưa ra dẫn chứng rằng đội tuyển đã có sự quan tâm nhiều từ ăn, ở, vui chơi rất “5 sao”. Nhưng không thể đánh đồng chuyện đó với việc cầu thủ phải có hậu đãi đúng mức để đả thông cái đầu. Việc nhiều trận giao hữu rồi đến VFF Cup, không có thưởng xứng đáng cho đội tuyển, cũng là một trong những nguyên nhân tạo ra sức ì về tâm lý.
Để xảy ra thất bại ở AFF Cup, trách nhiệm lớn nhất vẫn là bộ máy quản lý điều hành của VFF, cụ thể là chủ tịch, tổng thư ký và những người chịu trách nhiệm về chuyên môn, chứ không phải chỉ là lỗi của BHL đội tuyển, như kiểu “thí tốt” Falko Goetz sau SEA Games năm rồi. Lẽ ra, phải có sự dũng cảm nhận sai và cương vị của mình ở mức độ nào thì nên chịu hình thức kỷ luật ở mức độ đó, thậm chí nên thẳng thắn từ chức.
Còn nhớ cách đây 12 năm, sau Tiger Cup 2000, ông Lê Hùng Dũng khi đó chỉ là Ủy viên thường vụ VFF phụ trách tài chính tài trợ và cũng không phải là người liên quan trực tiếp đến đội tuyển, nhưng đã bức xúc viết thư gửi lãnh đạo VFF xin từ chức vì cảm thấy xấu hổ trước thất bại của đội tuyển làm vẩn đục hình ảnh bóng đá nước nhà. Đó là sự dũng cảm nhận trách nhiệm đáng hoan nghênh. Còn bây giờ, chưa thấy một lãnh đạo nào của VFF lên tiếng. Phải chăng họ còn thiếu văn hóa từ chức?
Ý kiến Phải làm rõ bất cập “Tổng cục TDTT đã yêu cầu VFF và đội tuyển tổng kết lại quá trình chuẩn bị cũng như thi đấu tại giải. Phân tích sâu sắc nguyên nhân dẫn đến thất bại. Để đưa ra kết luận bây giờ thì hơi vội vã, nhưng qua thất bại này cũng đã thấy nổi lên một số vấn đề về lực lượng cầu thủ, sự chuẩn bị về đấu pháp, thể lực cũng như tinh thần thi đấu. Riêng quá trình chuẩn bị của đội, cũng như vấn đề về nhân sự đã nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều, vì thế các bất cập này cũng cần phải được làm rõ. Quyết định của HLV trưởng luôn được tôn trọng và họ luôn có quan điểm riêng lúc triệu tập hay loại cầu thủ. Song qua giải này, phải phân tích kỹ liệu những quyết định đó đã thực sự đúng đắn hay chưa. Và cũng từ thất bại hôm nay, cần hoạch định lại lộ trình cho đội tuyển và đội U.23 cho những mục tiêu lớn ở tương lai” - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng P.L (ghi) Tôi chưa quyết định tương lai của mình “Thật sự mấy ngày qua tôi vẫn chưa hết sốc vì thất bại khó tin ở AFF Cup. Khi nắm đội tuyển, tôi không mường tượng được kết quả lại tệ đến như vậy. Tôi thừa nhận mình có những sai sót trong chỉ đạo chuyên môn nên đội tuyển bị căng cứng tâm lý, hàng thủ thi đấu không tốt và dứt điểm quá kém. Mấy ngày nữa, tôi sẽ có báo cáo cụ thể với VFF và chờ đợi một cuộc họp để vạch ra các nguyên nhân làm ảnh hưởng đến thành tích của đội tuyển. Nghề HLV thì ở đâu cũng vậy, dám làm thì sẵn sàng đương đầu với áp lực. Tôi không lo ngại điều đó. Thất bại sẽ để lại cho mình nhiều bài học giá trị. Còn tương lai của mình ở đội tuyển, tôi chưa thể nói gì. Tôi biết đội tuyển sẽ phải tập trung lại cuối tháng 1 để thi đấu vòng loại Asian Cup 2015, nhưng tôi vẫn còn trách nhiệm với CLB Hà Nội T&T mà mùa giải 2013 sắp tới gần. Tôi sẽ trao đổi với lãnh đạo VFF để có quyết định cuối cùng” - HLV trưởng Phan Thanh Hùng T.K (ghi) Tâm lý cả đội đều không ổn “Tôi rất lấy làm lạ là suốt mấy tháng trời tập huấn và thi đấu giao hữu, đội tuyển không có biểu hiện gì về mặt tâm lý. Lối chơi cũng đã hình thành và vận hành tương đối tốt. Sự chuẩn bị phải nói là rất kỹ. BHL cũng không gieo rắc tư tưởng phải vô địch bằng mọi giá, chỉ động viên là cứ thoải mái tinh thần mà đá. Ấy vậy mà vào giải, ai cũng bị căng cứng. Nếu chỉ một hay hai người thì còn nghi ngờ là có chuyện này chuyện kia, đằng này gần như cả đội, tâm lý đều không ổn khiến mọi thứ trên sân rơi vào bế tắc. Trong đầu lúc nào cũng bị ám ảnh "phải thắng, phải thắng" nên hai trận đầu đá không đúng sức, luôn tự gây khó cho mình và không vượt qua được khó khăn. Có nhiều tình huống chẳng bị đối phương kèm mà cũng chuyền hỏng, chưa kiểm soát được bóng thì bóng đã trượt ra khỏi chân thì còn phối hợp thế nào. Tôi thực sự thấy trăn trở khi anh em không vượt qua được cú sốc tâm lý. Áp lực ở V-League cũng lớn, tại sao vẫn đá tốt?” - Trợ lý HLV Nguyễn Văn Sỹ L.P (ghi) |
Quang Tuyến
Bình luận (0)