Chẳng hề quá lời nếu nói giải chuyên nghiệp V-League đang tồn tại một thứ bóng đá xấu xí, bạo lực, cay cú ăn thua và triệt hạ đồng nghiệp. Tính từ đầu mùa đến nay, sau gần 7 vòng đấu đã có 2 cầu thủ bị gãy chân nghỉ hết mùa, 1 cầu thủ bị rạn xương sườn cũng nghỉ hết mùa.
Tất cả chấn thương này xảy ra sau các pha bóng đầy bạo lực trên sân cỏ mà kênh VTV1 trong chương trình 24/7 vừa có thống kê. Tìm kiếm trực tuyến thông qua Google với cụm từ “bạo lực bóng đá Việt Nam”, chỉ 0,28 giây sẽ nhận hơn 2 triệu kết quả là các bài viết chi chít về nạn bạo lực của bóng đá Việt Nam trong mấy năm qua.
Ở giải V-League 2014 đang diễn ra, theo thống kê do VPF công bố ngày 28.2, sau 7 vòng đấu, đã có tới 204 thẻ vàng (trung bình 5,10 thẻ/trận), 9 thẻ đỏ (0,23 thẻ/trận), trong khi tổng số bàn thắng là 134 bàn (3,35 bàn/trận). Những thống kê này quá đủ để nói lên giải V-League đầy rẫy lối đá “chặt chém”. Đó là chưa tính tới việc một số trọng tài bắt nương tay, nếu không thì số thẻ còn cao hơn nhiều.
Như vụ bạo lực trên sân Vinh mới đây, cầu thủ Đình Đồng của Sông Lam Nghệ An vào bóng quá ác ý bằng gầm giày khiến cầu thủ Anh Hùng của An Giang gãy chân. Lỗi thô bạo một cách nghiêm trọng sờ sờ trước mắt trọng tài, vậy mà chỉ một chiếc thẻ vàng được rút ra. Chính cách xử lý quá nương tay như thế nên căn bệnh “đá láo, đá xấu” ngày càng lờn thuốc. Nó cứ tái đi tái lại hết trận này qua trận khác, mùa này qua mùa khác mà không hề được những người có trách nhiệm kiên quyết trị tận gốc một cách triệt để.
Trị tận gốc ở đây phải thể hiện qua án kỷ luật thật nghiêm khắc, không chỉ với cá nhân cầu thủ mà cả huấn luyện viên, lãnh đạo CLB - những người chưa hoàn thành trách nhiệm giáo dục, răn đe, nhắc nhở cầu thủ của mình. Thậm chí có khi còn bao che, dung dưỡng. Án kỷ luật đó cần phải có chế tài thật nặng đánh vào CLB. Nếu không, đâu cũng lại vào đấy và sân cỏ tiếp tục là võ đài!
Bóng đá là trò chơi, là giải trí, nhưng sân cỏ Việt Nam lại luôn dư thừa bạo lực, vậy thì làm sao bậc cha mẹ nào dám đưa con cái mình đến xem. Khi một nền bóng đá không gieo được niềm vui và cảm hứng cho giới trẻ, nền bóng đá đó không có tương lai.
Trong khi đó, cuối năm ngoái, đội U.19 Việt Nam với nòng cốt là các thành viên thuộc Học viện HAGL-JMG thi đấu giải tứ hùng trên sân Thống Nhất (TP.HCM) đã thu hút rất nhiều người đến sân. Đó là vì khán giả biết sẽ được xem một thứ bóng đá đẹp như tôn chỉ của Học viện HAGL-JMG. Đây cũng là bằng chứng cho thấy người dân không hề quay lưng với bóng đá Việt Nam nếu họ tìm thấy những trận cầu đẹp với các cầu thủ cống hiến hết mình.
Vì vậy, muốn thu hút người xem, V-League cần sớm giải quyết triệt để tình trạng bạo lực lan tràn hiện nay.
Giang Lao
Bình luận (0)