Nhiều hiện tượng thô bạo nhan nhản xuất hiện ở Cúp Quốc gia ngay những ngày đầu năm mới khiến người hâm mộ thất vọng bởi ai cũng hiểu đó là hệ quả tất yếu của việc buông lỏng giáo dục và kỷ luật không nghiêm.
Con hư tại... BHL và BTC
5 chiếc thẻ đỏ và lẽ ra còn nhiều hơn cùng với cảnh rượt đuổi nhau hỗn loạn trên sân Thống Nhất, rồi CĐV bao vây dọa tấn công đội khách là những hình ảnh xấu xí của bóng đá VN được VTV và các phương tiện truyền thông liên tục nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong mấy ngày qua. Để xảy ra những chuyện không hay như vậy, yếu kém lớn nhất thuộc về CLB. Tại sao những cầu thủ như Ngô Hoàng Thịnh có thể bay tung cả 2 chân như song phi vào người Trần Mạnh Dũng? Tại sao Moussa và Đức Huy của Ninh Bình có thể ngang nhiên tấn công rồi giẫm vào người cầu thủ đội SLNA? Và tại sao trước mắt trọng tài và hàng ngàn khán giả, Da Silva có thể buông ra những lời nói khiếm nhã rồi Sunday, Bật Hiếu của Thanh Hóa dùng tay đánh vào mặt Huỳnh Kesley xong rượt cầu thủ này phải chạy núp trong khu kỹ thuật của đội mình? Rõ ràng trách nhiệm của lãnh đạo và HLV trưởng CLB với các sự cố phi thể thao này là không chối cãi. Họ đã không làm tốt công tác tư tưởng cho cầu thủ trước trận đấu, không giáo dục nghiêm túc về đạo đức thi đấu cho học trò của mình, không kịp thời có những nhắc nhở về hành vi thô bạo trên sân, trái lại có lúc còn thỏa hiệp, bao che cầu thủ và phản ứng ngược lại trọng tài.
|
Bên cạnh đó, thái độ của BTC giải, BTC các sân cũng làm cho bạo lực cứ thế hoành hành. Một vài BTC sân còn chủ quan, quá tiết giảm chi phí nên bố trí lực lượng mỏng do vậy đã không kịp thời đảm bảo an ninh, an toàn trước, trong và sau trận đấu. Còn BTC giải xử kỷ luật nhiều lúc như không xử nên chẳng có tác dụng răn đe nào, trái lại còn làm cho “con bệnh” lờn thuốc. Chẳng hạn như sự cố đánh nhau giữa Hoàng Vissai và Timothy cũng trong khuôn khổ Cúp QG trên sân Ninh Bình, BTC phạt quá nhẹ cầu thủ 2 đội mỗi người 2 trận và 10 triệu đồng, chỉ bằng với chiếc thẻ đỏ trực tiếp, trong khi hành vi phi thể thao đó lý ra phải xử thật nặng, có thể treo giò nhiều hơn. Chính cách xử như phủi bụi đó càng làm cho một vài đội và cầu thủ xem thường án kỷ luật không ra gì này và cứ thế tái diễn mà chẳng sợ thiệt hại gì nhiều.
Án phạt phải xuyên suốt
Rất nhiều người không đồng tình với phát biểu trên một số báo của Tổng giám đốc VPF kiêm Trưởng BTC Giải Cúp QG Phạm Ngọc Viễn vào hôm qua, khi ông nói: “Đây chỉ là hiện tượng bùng phát ở giải Cúp và nhiều thẻ đỏ chưa hẳn đã đá thô bạo. Do vậy án phạt sẽ chỉ áp dụng tại Cúp Quốc gia chứ không liên quan đến Super League”. Nói như thế là không thỏa đáng. Hãy nhìn bóng đá Anh, Luis Suarez của Liverpool bị cấm 8 trận đâu phải chỉ riêng ở Premier League mà tính từ ngày án được tuyên, cứ thế mà đếm đủ số trận buộc phải nghỉ cho dù đó là giải nào. Hay trung vệ Kompany lãnh thẻ đỏ trong trận vòng 3 Cúp FA với M.U hôm 12.1. Đó là thẻ đỏ thứ hai trong một mùa (thẻ đỏ trước là trong trận gặp Wolverhampton hồi tháng 10.2011) nên phải nghỉ đến 4 trận thay vì chỉ 2 trận. Cầu thủ này đã phải vắng mặt trong 2 trận bán kết League Cup với Liverpool và 2 trận Premier League với Wigan và Tottenham. Án phạt xuyên suốt như thế mới thực sự mang tính răn đe cao, làm cho cầu thủ sẽ phải ý thức tốt hơn về nghề nghiệp và tự ngẫm về những khiếm khuyết của mình để uốn nắn. Còn đội bóng rơi vào khốn đốn như Man.City bị loại khỏi 2 giải Cúp mới thấy không thể xem nhẹ việc nhắc nhở những biểu hiện của cầu thủ đội mình khi ra sân.
Chính cách làm đó của FA làm cho bóng đá Anh trở nên rất nghiêm còn BTC VN lại có những suy nghĩ chẳng khác nào tiếp tay cho bạo lực leo thang. Chẳng hạn như 2 cầu thủ Thanh Hóa Da Silva, Sunday nếu bị xử tiếp sẽ chỉ nghỉ ở giải Cúp và do đã bị loại nên có xử cũng như không vì họ vẫn ung dung ra sân ở Super League sắp tới, xem như chẳng có gì xảy ra. Thế nên bóng đá VN cứ mãi xấu xí chính vì BTC giải góp phần làm hư nó!
Quang Tuyến
Bình luận (0)