Bóng dáng đầy ám ảnh của một thiên hà đang giẫy chết

14/04/2021 19:31 GMT+7

Từ các sinh vật nhỏ bé như vi khuẩn đến cây cổ thụ khổng lồ, cái chết là lẽ dĩ nhiên của chu kỳ sống và tiến hóa, và thực tế này cũng áp dụng cho các thiên hà vĩ đại nhất.

Đối với trường hợp các thiên hà, quá trình tử vong diễn ra chậm chạp, thể hiện qua bằng chứng vừa được kính viễn vọng Hubble của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cung cấp, theo nasa.gov.
Đối tượng chụp ảnh là thiên hà NGC 1947. Dù ở khoảng cách 45,4 triệu năm ánh sáng (thuộc phạm vi chòm sao Kiếm Ngư), chúng ta có thể thấy thiên hà đang mờ nhạt đi.
Manh mối về sự sống của các thiên hà nằm ở khối lượng bụi và khí. Một thiên hà vào thời điểm sung mãn sẽ chứa đầy những dạng vật liệu cần thiết để hình thành các ngôi sao mới. Theo thời gian, chúng vơi đi và cạn kiệt dần, như trường hợp của NGC 1947.
Đây là một dạng thiên hà hiếm, gọi là thiên hà hình hạt đậu. Nhóm này có hình dạng đĩa, như Dải Ngân hà hoặc thiên hà Tiên Nữ, nhưng không có các cánh tay xoắn ốc.
Phải nói rằng NGC 1947 từng như Dải Ngân hà, nhưng nó đã sử dụng gần như cạn kiệt khí và bụi, hiện giờ tất cả chỉ còn lại một vài dải mỏng trên nền ngược sáng của ánh sao.
Những thiên hà không còn hình thành sao trong vài tỉ năm được xác định đã tử vong, nhưng vũ trụ tồn tại chưa đủ lâu để con người chứng kiến chuyện gì xảy ra khi toàn bộ sao của một thiên hà tắt ngúm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.