Bóng hồng “đi mây về gió”

21/10/2012 14:31 GMT+7

Dù còn rất ít ỏi song nữ phi công đã mang lại nhiều sự ngạc nhiên, thích thú cho hành khách khi biết người cầm lái chuyến bay là một bóng hồng.

Bước chân lên máy bay, thông tin đầu tiên hành khách nhận được qua hệ thống phát thanh là số hiệu chuyến bay, hành trình và tên người nắm giữ tính mạng của mình - cơ trưởng. Hành khách sẽ rất thú vị, thậm chí không ngoại trừ cả tâm lý phân vân khi được biết phi công là một phụ nữ.

Vượt qua định kiến

Từ cuối năm 2008, Vietnam Airlines (VNA) tiếp nhận 2 nữ phi công người Việt đầu tiên là Nguyễn Thị Thanh Thủy và Nguyễn Ly Hương. Hai cô gái 8X này chỉ được ngồi trên khoang lái sau khi đã vượt qua các khóa đào tạo gian khổ cả về thể lực và trí tuệ kéo dài 3 năm. Họ cũng phải dùng ý chí để vượt qua định kiến của gia đình, xã hội khi quyết định gắn bó đời mình với một công việc mang tính chất nặng nhọc, độc hại, chỉ phù hợp với đàn ông.

 Bóng hồng “đi mây về gió”
Nữ phi công Ly Hương và chồng cùng đầu quân cho Vietnam Airlines - Ảnh: Nhật Mai

Theo phân công, Thủy và Hương học lái máy bay ATR 72, khai thác chặng bay ngắn nội địa. Tiếp bước đàn chị, thêm nhiều nữ học viên phi công đã được cử đi đào tạo ở nước ngoài nhưng chỉ có 3 cô gái nữa đủ khả năng biến giấc mơ bay thành hiện thực. Lớp phi công 8X sau này được phân công lái máy bay hiện đại hơn - Airbus 320 - trên các đường bay nội địa và quốc tế với thời gian dưới 4 giờ.

Hai bóng hồng khác góp phần làm cho Đoàn bay 919 của VNA thêm “màu sắc” là La Trần Cẩm Linh, Việt kiều Canada và Huỳnh Lý Phương Đông, một cô gái sống tại Bỉ từ nhỏ. Linh đang chuẩn bị chuyển sang lái máy bay Airbus 320. “Nếu phát hiện trước mặt là một đám mây thì cái đầu lạnh của đàn ông sẽ bảo máy bay chỉ hơi sốc một chút thôi. Tuy nhiên, trái tim nóng bỏng của phụ nữ sẽ mách bảo tôi rằng nên tránh đám mây đó vì chuyến bay dài đã đủ làm hành khách mệt mỏi rồi” - Đông dí dỏm.

Không chỉ khiến các anh chàng của Đoàn bay 919 ngưỡng mộ, các bóng hồng này còn được nhiều hành khách đề nghị được chụp ảnh cùng sau những chuyến bay.

Ít gây sự cố hơn nam giới

Điều thú vị là nữ phi công ít gây ra sự cố hơn nam. Phó trưởng Đoàn bay 919 Nguyễn Đăng Quang cho biết đến nay, chưa có sự cố nào phải giảng bình ở cấp tổng công ty hay báo cáo Cục Hàng không do phi công nữ gây ra. “Phụ nữ bay an toàn hơn vì tỉ lệ phi công nữ rất ít, cũng không loại trừ việc phụ nữ luôn cẩn thận hơn nam giới” - ông Quang nhận xét.

Trước khi có nữ phi công người Việt, VNA đã thuê nhiều nữ phi công nước ngoài nhưng chưa bao giờ đội bay có quá 15 bóng hồng. Hiện nay, VNA có hơn 800 phi công nhưng cũng chỉ có 13 nữ, gồm 7 người Việt. Trong các hãng hàng không nội địa hiện nay, duy nhất Jetstar Pacific không có nữ phi công. Hãng tư nhân Air Mekong có chuyến bay phi hành đoàn chỉ toàn chị em.

Thời gian bay tối đa của một phi công là 28 giờ/tuần, 100 giờ/tháng, 1.000 giờ/năm. Những cặp vợ chồng phi công làm cùng hãng được ưu ái sắp xếp lịch bay cùng ngày hoặc theo nguyện vọng để có thời gian dành cho gia đình, còn những bóng hồng khác phải chịu sự phân công mà không có bất kỳ ưu ái nào so với nam giới. “Đi mây về gió”, được khám phá những chân trời mới, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau là khát khao của bất cứ ai nhưng chỉ có những người có đủ sức khỏe, ý chí và tính kỷ luật mới làm được phi công.

Theo Tô Hà / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.