“Bóng hồng” sau tay lái

19/01/2011 08:23 GMT+7

Những “bóng hồng” mưu sinh bằng nghề lái xe buýt hay xe khách cồng kềnh chạy liên tỉnh rất hiếm hoi ở Sài Gòn.

Buổi trưa nắng nóng, chúng tôi tìm đến bến xe Thới An, P.Hiệp Thành, Q.12, nơi có tài xế xe buýt là phụ nữ. Chị Nguyễn Thị Huyền, điều hành viên ở đây, nói: “Cả TP chắc chỉ có hai nữ tài xế xe buýt và đều làm ở đây. Họ là những người phụ nữ đáng phải nể phục”.

“Tay lái lụa”

Khoảng 13g, chiếc xe buýt mã số 78 màu xanh nhạt, loại 30 chỗ mang biển số 53N-4322 xuất hiện. Trông qua cửa kính, thấp thoáng người phụ nữ với bím tóc dài, xoay vôlăng nhẹ nhàng cho xe dừng bến. Chị là Lê Thị Hồng Hạnh, mới 26 tuổi nhưng đã sống với nghề gần mười năm, một trong hai nữ tài xế của bến.

Chúng tôi hối hả lên xe, cũng là lúc tài xế Hạnh tắt máy bước xuống. Chị nhẹ giọng: “Mấy anh ngồi đợi, năm phút nữa xe tôi chạy”.

Tôi chọn băng ghế đầu, phía dưới có vài người khách đón đợi chuyến xe xuất bến. Họ cứ dõi theo người phụ nữ và nói: “Chị này lái luôn hả, lần đầu tiên mới thấy”. Đúng giờ, tài xế Hạnh mở cửa bước lên xe, chị ngoái đầu ra sau yêu cầu một người đàn ông bỏ điếu thuốc lá, rồi bật máy lạnh, đánh tay lái ra đường Lê Văn Khương trước những dòng xe xuôi ngược.

Xe chạy êm đón trả khách từng trạm, nhiều thanh niên ngồi phía sau cứ trêu ghẹo nữ tài xế. Khi xe dừng đèn đỏ gần ngã tư Tô Ký, huyện Hóc Môn, hai người đi xe gắn máy trên đường mải mê nhìn “bác tài tóc dài” quên cả đèn xanh, khiến mọi người phì cười. Chị Hạnh xoay vôlăng mềm mại, bảo đã quen với những ánh mắt lạ của khách và người đi đường.

“Có lần tôi chứng kiến hai xe tải suýt va quẹt nhau chỉ vì nhìn con gái lái xe buýt” - chị kể. “Có lẽ nhiều năm qua xe buýt gây chú ý nhiều về tai nạn, kẹt xe đến nỗi nhiều bác tài lão làng cũng căng thẳng bỏ nghề, huống chi là nữ giới lại chọn nghề này nên nhiều người thấy lạ” - chị tự lý giải.

Gần mười năm chạy xe buýt, chị Hạnh phải vượt qua nhiều áp lực từ gia đình và xã hội. “Nhưng đổi lại, tôi được nhiều cô chú động viên, mấy em sinh viên thấy thương biếu bánh kẹo. Bởi theo họ, đi xe tôi luôn thân thiện, hiếm khi xảy ra cự cãi và những tiếng chửi thề” - chị Hạnh nói.

Nửa đời bên xe khách

Đó là nữ tài xế Nguyễn Thị Thu Vân, 52 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp. Hiện bà sống bằng nghề chở khách hợp đồng đi liên tỉnh nhưng ít ai biết được hơn mười năm trước bà là nữ tài xế xe khách nổi tiếng ở Sài Gòn. Chồng bà Vân là tài xế và nghiệp lái xe của bà cũng bắt đầu từ đó.

Bà cười rổn rảng: “Hồi đó gia đình tui khó khăn lắm, tui không biết làm gì, buôn bán thì sợ ế, cũng mê xe nên học bằng lái chạy luôn”. Kể lại những thăng trầm của nghề, bà cho biết bắt đầu chạy xe lam từ năm 1997, mọi người cứ trố mắt nhìn “con nhỏ không giống ai” nhưng bà cứ ráng chạy kiếm sống. Những năm sau khi dẹp bỏ xe lam, bà chuyển sang chạy xe Daihatsu cho đến năm 2004 phải nghỉ.

“Người ta đổi xe buýt lớn, mình không có tiền mua nên phải chuyển qua đưa rước khách đi xe theo hợp đồng” - bà buồn buồn nói.

Hiện nay, dù ở tuổi xế chiều nhưng bà vẫn chạy xe kiếm tiền nuôi hai con ăn học. Bà tâm sự những ngày đầu vào nghề thật khó khăn vì khách chẳng chịu lên xe. Dần dà, nhiều người nhận ra phụ nữ lái xe rất cẩn trọng, có thể yên tâm, tin cậy được.

Cũng nửa đời gắn với xe khách, những người làm việc ở bến xe miền Tây quá quen với chiếc xe 66S-4164 của nữ tài xế Châu Mỹ Huỳnh, 36 tuổi, ngụ Đồng Tháp. Trông chị già dặn hơn cả tuổi vì cái nghề ôm vôlăng rong ruổi khắp nơi.

Thường khoảng 16g chị có mặt ở bến xe Cao Lãnh để đón khách rồi xuất bến lên Sài Gòn. Trả khách xong, chị cho xe nằm tài rồi mắc võng hoặc co người trên ghế đợi chuyến xe hôm sau. Cứ thế, bao năm qua chị tự mình lăn lộn mưu sinh.

Chị Huỳnh cho biết những ngày đi xin việc chị nhận được những cái lắc đầu. Không từ bỏ đam mê, chị được thuê lái xe trong tỉnh. Nhiều người đồn “nữ tay lái cừ khôi”, chị được thuê chạy xe liên tỉnh đến Sài Gòn.

Khoảng lặng mưu sinh

Như mọi ngày, nữ tài xế trẻ Lê Thị Hồng Hạnh dậy khoảng 4g sáng cho kịp xuất bến chuyến xe buýt đầu tiên. Theo thói quen, hai đứa con gái chị cũng trở mình thức giấc. Bọn trẻ quấn lấy mẹ, níu kéo không cho đi. Chị Hạnh hôn lên trán con và dỗ dành: “Mẹ đi làm để có tiền ăn cơm”.

Chị Hạnh kể có những buổi tối về nhà, con gái chị đang học lớp 1 mếu máo: “Mấy đứa bạn bảo con không có mẹ đưa rước”, lúc ấy chị buồn não nề. Chồng chị Hạnh cũng là một tài xế xe buýt, vì ngưỡng mộ cô gái có thể làm công việc đầy áp lực như mình nên anh yêu và xin cưới. Suốt một năm qua, anh bị bệnh nên chị phải gồng mình chạy xe kiếm sống.

Ngoài chạy tuyến chính ở bến xe Thới An, chị Hạnh phải xin chạy thêm tuyến khác để có tiền xoay xở cho gia đình.

Chị Hạnh là con gái thứ tư trong gia đình có năm anh chị em. Nhà khó khăn, anh chị bị bệnh mất từ thuở nhỏ, người cha chạy xe lam để nuôi bốn đứa con gái. Sau đó, xe lam bị cấm, gia đình càng khó khăn hơn vì phải vay mượn mua một chiếc Daihatsu. Lúc này, cha chị phải chạy xe cả ngày lẫn đêm để vừa trả nợ vừa lo cho các con.

Thấy cha ngày càng gầy còm, nhà lại không có con trai, chị Hạnh phải vừa học vừa xin theo phụ cha và hi vọng mình cũng có thể giúp cha như một đứa con trai. Không ngờ theo cha, chị Hạnh trở nên đam mê nghề này. Học xong lớp 12, thay vì chọn một ngành nghề khác, chị quyết định đi học lái xe để làm tài xế.

Theo nghiệp cha, nhưng để có được chiếc xe buýt chạy kiếm sống, chị phải vay mượn rất nhiều, chắt chiu từng đồng đến nỗi không dám thuê người soát vé.

Hoàn cảnh vào nghề của chị Châu Mỹ Huỳnh hoàn toàn ngược lại. Gia đình chị Huỳnh có đến năm người con trai nhưng không ai thích cái nghề lái xe vất vả. Thấy cha nhọc nhằn kiếm tiền nuôi gia đình, 15 tuổi chị Huỳnh đã theo cha lang thang khắp nơi trên những chuyến xe. Dần dà chị đam mê và gắn chặt tuổi thanh xuân với nghề tài xế.

Nhắc đến chuyện chồng con, chị Huỳnh thẹn thùng, thổ lộ hầu như anh chị em trong gia đình đã lập gia đình và ổn định cuộc sống. Còn chị đã 36 tuổi đời vẫn chưa tìm được tổ ấm cho riêng mình. Có lẽ cũng như lời của một số người thường nói: “Ai đời lại đi lấy vợ lái xe khách, nay tỉnh này, mai tỉnh nọ”.

Chị bảo nếu phải duyên thì gặp, còn nếu không, chị vẫn ôm vôlăng rong ruổi cho đến suốt cuộc đời...

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.