Trong lúc sân khấu cải lương khó khăn thì phong trào đờn ca tài tử và tập hát cải lương trong quần chúng vẫn rất mạnh mẽ, như mạch nước ngầm luồn sâu dưới lòng đất, không hề khô cạn. Một chuyện vui, Công ty phân bón Bình Điền là đơn vị tài trợ "thủy chung" suốt 14 năm qua, riết rồi bà con thính giả cứ tưởng nhà tổ chức chính là công ty, gởi thư về nườm nượp, khen ngợi lẫn... mắng vốn. "Trời ơi, sao cô đó ca hay vậy mà hổng vô chung kết?". "Sao hổng phát thêm mấy buổi nữa để mấy người mắc công việc như tui có thể nghe lại. Mất buổi nào tiếc buổi đó!"...
Vô tới mùa giải là bà con nông dân vác cái radio ra ruộng, và "làm giám khảo" luôn. Trình độ nghe vọng cổ của dân đồng bằng đến ban giám khảo "thiệt" còn sợ! Nhưng vui nhất là có những bạn trẻ nước ngoài nghe trực tuyến trên trang web của đài, gửi mail về chia sẻ. Thậm chí có một bạn ở Hà Lan định về dự thi nữa chứ, nhưng thủ tục xuất cảnh chưa xong, ban tổ chức nói nếu bạn có về trễ chắc cũng "du di" cho bạn vô thi luôn.
Thế nên năm nay giải thưởng có thêm nhiều nét mới để bà con phấn khởi. Đầu tiên là tiền thưởng tăng lên, giải nhất là 12 triệu đồng. Bên cạnh đó, có thêm rất nhiều giải phụ như giải của Hội đồng báo chí, bài bản hay nhất, thí sinh nhỏ tuổi nhất, và giải hằng tuần dành cho thính giả dự đoán, hoặc viết thư bình luận. Thứ hai, ưu tiên cho các thí sinh chọn các bài vọng cổ mới sáng tác, và ưu tiên cho chủ đề truyền thống, tránh các điển tích Trung Quốc.
Và khối lượng bài bản năm nay tăng lên, thí sinh phải tập dợt rất nhiều, chưa kể ngoài các bài bản Nam, Bắc, vọng cổ, nay lại thêm Văn thiên tường và Trường tương tư. Cho nên, vượt được vũ môn kỳ này quả thật không dễ. Thứ ba, buổi chung kết xếp hạng dự kiến sẽ tổ chức tại Nhà hát TP.HCM cho sang trọng và kết hợp truyền hình trực tiếp. Sau đó nếu tập hợp được các huy chương vàng những mùa giải cũ, ban tổ chức sẽ có một buổi truyền hình gọi là Gala Bông lúa vàng cho bà con tưng bừng một phen. Cải lương "chịu chơi" hết biết!
Hoàng Kim
Bình luận (0)