Dư luận Philippines và quốc tế chấn động về lời tố cáo Tổng thống Rodrigo Duterte của một người tự xưng là cựu sát thủ thuộc cái gọi là Biệt đội tử thần Davao (DDS). Lời khai của ông Edgar Matobato, 57 tuổi, được đưa ra trong phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Philippines ngày 15.9, giữa lúc các nghị sĩ đối lập đang điều tra về chiến dịch truy quét ma túy đẫm máu ở nước này với khoảng 2.500 người thiệt mạng kể từ tháng 6 đến nay.
Những cậu bé Lambada
|
|
Tuy nhiên, lâu nay cũng đã có nhiều đồn đoán rằng ông Duterte đã “nuôi” một đội sát thủ bán chính thức, chuyên giết tội phạm mà không cần xét xử, cũng như thanh toán các đối thủ với tổng cộng hơn 1.000 người. Đến nay, nhà lãnh đạo luôn bác bỏ các cáo buộc này.
Tại buổi điều trần hôm 15.9, ông Edgar Matobato khẳng định ngay khi đắc cử chức thị trưởng vào năm 1988, ông Duterte đã cho lập nhóm sát thủ mang tên “Những cậu bé Lambada”. Tờ Inquirer dẫn lời Matobato nói ban đầu nhóm chỉ có 7 người nhưng ngày càng lớn mạnh với số thành viên tăng chóng mặt, quy tụ cảnh sát cũng như các tay súng nổi dậy đã đầu hàng chính phủ. Nhiều tội phạm từng là mục tiêu của “Những cậu bé Lambada” cũng sẵn sàng gia nhập nhóm để tránh bị thủ tiêu.
Đến năm 1993, nhóm chính thức đổi tên thành Biệt đội tử thần Davao với số thành viên được cho vào khoảng 300 - 500 người và do ông Ronald Dela Rosa, hiện là Tổng trưởng cảnh sát quốc gia Philippines, chỉ huy.
“Công việc của chúng tôi là giết những tên tội phạm là băng nhóm buôn bán ma túy, cướp của hoặc hiếp dâm. Ngày nào cũng có kẻ bị chúng tôi bắn chết”, ông Matobato cho biết và nói thêm các thành viên được nhận vài trăm đến hơn 1.000 USD cho mỗi lần ra tay. Sát thủ DDS đi từng nhóm khoảng 2 - 3 người trên một chiếc xe máy không biển số, mặc áo rộng hoặc áo khoác để giấu vũ khí. Mục tiêu bị đâm bằng dao, siết cổ hoặc hứng loạt đạn ngay tại chốn đông người như chợ, hộp đêm... Thi thể bị quấn chặt bằng băng keo rồi chôn trong mỏ đá của một sĩ quan cảnh sát địa phương hoặc ném cho cá sấu ăn.
Theo lời Matobato, trong thành phần DDS có một nhóm được gọi là amo, thường là quan chức cảnh sát đương nhiệm hoặc phục viên. Amo có nhiệm vụ huấn luyện tân binh, cung cấp vũ khí, xe máy cũng như danh sách mục tiêu. Họ lấy thông tin về mục tiêu như tên tuổi, địa chỉ và hình ảnh. Sau đó, cảnh sát khu vực sẽ được bắn tin để không vội vàng xuất hiện tại hiện trường và cũng không “mặn mà” điều tra.
|
“Đích thân ra tay”
Trong lời khai của mình, ông Matobato tuyên bố DDS không chỉ nhằm vào tội phạm mà hoạt động như một đội quân riêng của nhà Duterte, chuyên xử lý “những kẻ ngáng đường”, từ đối thủ chính trị, nhà báo, thậm chí cả điều tra viên của chính phủ. BBC dẫn lời Matobato cáo buộc Tổng thống Duterte hồi năm 1993 từng đích thân hạ sát một mật vụ thuộc Bộ Tư pháp được phái tới điều tra các vụ giết người ở Davao.
“Duterte tự tay kết liễu người đó, trút hết 2 băng đạn Uzi vào người ông ta”, Matobato khẳng định tại Thượng viện.
Chưa hết, cũng theo ông này, DDS từng nhận lệnh ám sát cựu Chủ tịch Hạ viện Prospero Nograles vì “dám” ganh đua vào ghế thị trưởng với ông Duterte. Tuy nhiên, kế hoạch bất thành và các tay súng chỉ giết được một số cận vệ của ông này.
Matobato còn cáo buộc Paolo Duterte, con trai tổng thống và đang giữ chức Phó thị trưởng Davao, ra lệnh DDS sát hại tỉ phú Richard King vào năm 2014 vì liên quan tới tranh giành phụ nữ.
Đến nay, bản thân Tổng thống Duterte chưa có bình luận gì về các cáo buộc trên. Tuy nhiên, tờ Philippine Daily Inquirer dẫn lời phát ngôn viên Tổng thống Ernesto Abella kêu gọi người dân “tỉnh táo và khách quan” trước khi có điều tra chính thức, còn nhiều thượng nghị sĩ thì tỏ ra nghi ngờ lời khai của ông Matobato. Phó thị trưởng Davao Paolo Duterte tuyên bố Matobato “là một gã điên” trong khi ông Nograles, nay đã là đồng minh với Tổng thống Duterte, tuyên bố không có vệ sĩ nào của mình bị giết.
Trong khi đó, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói: “Đây là các cáo buộc nghiêm trọng và chúng tôi sẽ tìm hiểu kỹ thông tin”.
Bình luận (0)