(TNO) Ngày 28.3 tới, Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, sẽ tiến hành cuộc bầu cử tổng thống sau 6 tuần bị hoãn. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi về sự chống phá của nhóm vũ trang Hồi giáo Boko Haram vẫn luôn hiện hữu.
Nigeria đang đối mặt với nỗi sợ hãi mang tên Boko Haram trước thềm bầu cử - Ảnh: Reuters
|
Tổng cộng có 14 ứng cử viên cho vị trí tổng thống, tuy nhiên chỉ 2 trong số đó mới thực sự có cơ hội, đó là đương kim Tổng thống Goodluck Jonathan và đối thủ chính Muhammadu Buhari, theo tờ Le Point (Pháp) ngày 22.3.
Ông Jonathan vài tháng gần đây bị chỉ trích nhiều vì thiếu năng lực trong việc kiểm soát sự lộng hành của Boko Haram. Và an ninh đang trở thành vấn đề gây đau đầu trong cuộc bầu cử sắp tới.
Trong phát biểu ngày 20.3 vừa qua, Tổng thống Jonathan cho biết Boko Haram đang yếu đi từng ngày và ông tự tin sẽ giành lại toàn bộ lãnh thổ trong vòng một tháng, theo đài BBC.
Nhờ sự giúp đỡ của các đồng minh như Cameroon, Chad và Niger, quân đội Nigeria tuyên bố đã giành lại 2 trong số 3 bang tại miền bắc bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc chiến với phiến quân, theo tờ The Guardian.
Mặc cho những sự lạc quan của giới chức Nigeria, các chuyên gia cho rằng đó là những tuyên bố hấp tấp nhằm kêu gọi sự ủng hộ cho chiến dịch tranh cử của ông Jonathan, đồng thời cảnh báo phiến quân Hồi giáo vẫn có khả năng thực hiện những cuộc tấn công chớp nhoáng.
Cố vấn an ninh quốc gia Mike Omeri ngày 18.3 cho biết “cuộc công kích cuối cùng” sắp diễn ra. Trong khi đó, phó giám đốc Mark Schroeder, chuyên gia về châu Phi của công ty cung cấp thông tin tình báo chiến lược Stratfot cho biết nhóm phiến quân chưa thật sự bị đánh bại.
“Cũng giống như tuyên bố vội vã của Tổng thống Bush (Mỹ) vào năm 2003 về việc hoàn thành nhiệm vụ tại Iraq. Nhưng rõ ràng là Iraq ngày nay vẫn đang đấu tranh với phiến quân Hồi giáo”, ông Schroeder so sánh với tuyên bố tự tin của tổng thống Nigeria.
Thủ lĩnh Abubakar Shekau của Boko Haram tuyên bố sẽ chống phá cuộc bầu cử - Ảnh: AFP
|
Một số nhà quan sát nhận định, sau khi gia nhập tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS), phiến quân Boko Haram sẽ quay về với hình thức chiến tranh du kích. Chuyên gia Nnamdi Obasi thuộc Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG) cho rằng Boko Haram mặc dù không thể chiếm thêm lãnh thổ nhưng luôn có thể phá rối các cuộc bầu cử, theo tờ Le Point.
"Tại nhiều vùng ở bang Borno, cái nôi của Boko Haram, tình hình an ninh luôn mong manh và những người lưu vong sẽ không thể tham gia bầu cử. Trong khi đó, những địa điểm khác trong vùng sẽ tiến hành bầu cử trong tâm thế lo lắng, bất an", ông Obasi nói.
Trong khi đó, quân đội Nigeria lại chưa sẵn sàng để đối đầu lại Boko Haram, nhất là sau khi tổ chức này liên kết với IS. Ngày 19.3, Boko Haram đã sát hại 11 dân thường tại thị trấn Gamboru, điều này cho thấy những khó khăn trong nỗ lực kết thúc bạo lực tại Nigeria. Cuộc tấn công này cũng thể hiện rõ khả năng phối hợp yếu kém giữa các quốc gia liên minh. The Guardian dẫn lời người dân địa phương cho hay sau khi chiếm lại được thị trấn, quân lính Chad đã rời đi mà không có người thay thế.
Nỗi sợ hãi về an ninh trong ngày bầu cử đang hiện hữu sau hàng loạt vụ tấn công đẫm máu tại miền bắc vài tuần gần đây, và sau khi thủ lĩnh Boko Haram, Abubakar Shekau tuyên bố sẽ phá hoại cuộc bầu cử.
Cuộc bầu cử tổng thống Nigeria sẽ diễn ra vào ngày 28.3 tới và sẽ chỉ có khoảng 68 triệu người tham gia bầu cử trên tổng số 173 triệu dân. Phe đối lập cho rằng kết quả bầu cử sẽ không đáng tin nếu hàng triệu người tị nạn ở miền bắc không thể đi bầu. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban bầu cử Attahiru Jega đảm bảo rằng các thùng phiếu sẽ được đưa đến các khu trại để mọi người có thể bỏ phiếu.
Bình luận (0)