Tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng (IS hoặc ISIS) ngày 17.10 đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ nổ súng ở Brussels (Bỉ) khiến hai công dân Thụy Điển thiệt mạng, nói rằng vụ tấn công nhắm vào Thụy Điển vì quốc gia này là thành viên của liên minh toàn cầu chống lại các "tay súng thánh chiến".
Một thành viên của IS đã thực hiện vụ tấn công chống lại các công dân Thụy Điển hôm 16.10, IS cho biết trong một tuyên bố được đăng trên trang tin tức Amaq của họ, theo AFP. Tuyên bố cho biết "vụ tấn công diễn ra trong bối cảnh IS đã kêu gọi tiến hành các hoạt động nhằm vào công dân của các nước trong liên minh".
Một người đàn ông gốc Tunisia sống bất hợp pháp ở Bỉ đã bắn chết hai người Thụy Điển và làm bị thương một người khác trên đường phố Brussels vào tối 16.10, ngay trước khi trận đấu giữa hai đội tuyển bóng đá của Bỉ và Thụy Điển bắt đầu. Các quan chức Thụy Điển cho hay kẻ tấn công từng thụ án tù ở nước này trong giai đoạn 2012-2014.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội sau vụ tấn công, tay súng nói rằng đã được IS truyền cảm hứng.
Trong khi đó tại Pháp, công tố viên cho biết nam thanh niên đâm chết một giáo viên bằng dao trong vụ tấn công tuần trước đã bị truy tố tội danh liên quan đến hành vi khủng bố hôm 17.10, sau khi tiết lộ rằng người này đã thề trung thành với IS trong một đoạn ghi âm trước vụ tấn công, theo AFP.
Nghi phạm Mohammed Moguchkov, 20 tuổi, đến từ một khu vực có cư dân chủ yếu là người theo đạo Hồi ở Nga. Vụ tấn công xảy ra tại một trường trung học ở thành phố Arras (miền bắc nước Pháp) hôm 13.10, đã khiến Paris lo lắng và đặt nước này dưới tình trạng báo động cao nhất về nguy cơ xảy ra bạo lực.
Kể từ đó, nhiều tuyên bố đe dọa đánh bom các tòa nhà công cộng đã xuất hiện tại Pháp - bao gồm một đe dọa nhằm vào ở trường trung học Arras nơi vụ đâm dao xảy ra, và hai đe dọa đánh bom nhằm vào Cung điện Versailles, địa điểm thu hút rất đông khách du lịch.
Cùng với vụ tấn công ở Bỉ, các chính trị gia châu Âu đã lên tiếng cảnh báo về một mối đe dọa rộng lớn hơn. "Tất cả các quốc gia châu Âu đều dễ bị tổn thương", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với các phóng viên ở thủ đô Tirana của Albania hôm 17.10.
Nhà lãnh đạo cho rằng "chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo" đã quay trở lại. "Tất cả chúng ta đều có điểm yếu. Đó là điều đi kèm với một nền dân chủ, một nhà nước pháp quyền, nơi những cá nhân có thể quyết định thực hiện những hành vi tồi tệ nhất vào một thời điểm nào đó".
Bất đồng trong EU
Các vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh chiến sự giữa Hamas và Israel đang ngày càng leo thang nghiêm trọng ở Trung Đông, dẫn đến cả làn sóng biểu tình ủng hộ người Palestine lẫn những lời kêu gọi tăng cường bảo vệ các tụ điểm Do Thái giáo tại châu Âu cũng như các khu vực khác.
Liên minh châu Âu (EU) đang cố gắng thống nhất thông điệp về cuộc xung đột này giữa lúc những rạn nứt mới dường như đã xuất hiện. Vấn đề Israel-Palestine vốn đã gây chia rẽ ở châu Âu lâu nay, nhưng điều khiến một số thành viên EU phẫn nộ mới nhất là nhận định rằng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã vượt quá quyền hạn của mình khi thể hiện sự ủng hộ kiên định dành cho Israel, theo AFP.
Bà Von der Leyen, người được coi là bộ mặt của EU, tuần trước đã bay tới Israel để khẳng định với Thủ tướng Benjamin Netanyahu rằng EU ủng hộ quyền tự vệ của Israel. Song thông điệp đó lại không đi kèm với lời cảnh báo mà các lãnh đạo châu Âu khác - cũng như chính Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại EU Josep Borrell - đã đưa ra, rằng bất kỳ hành động nào của Israel đều phải tuân thủ luật nhân đạo quốc tế.
Hamas nêu điều kiện gì để thả con tin người nước ngoài?
Lãnh đạo các nước EU đã tham dự một cuộc họp khẩn cấp qua video hôm 17.10 để trao đổi về tình hình Trung Đông, nhưng Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã bỏ qua cuộc gặp này. Thay vào đó, ông gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh (Trung Quốc) bên lề Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ ba.
Bình luận (0)