Bí ẩn tháp Chăm trong lòng đất:

'Bóng ma' quanh ngôi tháp cát vùi

24/10/2023 07:28 GMT+7

Tháng 4.2000, một nhóm công nhân khai thác quặng titan tình cờ phát hiện ngôi tháp Chăm nằm sâu dưới lòng đất tại bờ biển Mỹ Khánh thuộc xã Phú Diên, H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế. Ngôi tháp về sau được giới chuyên môn đặt tên là tháp Phú Diên.

Những "bóng ma" trên bãi vắng

Các nhà chuyên môn cho biết, tháp Phú Diên là công trình kiến trúc văn hóa Chăm còn nguyên vẹn nhất kể từ khu vực bắc Hải Vân trở ra. Tháp có cùng niên đại với kiến trúc tháp Mỹ Sơn E1, dịch chuyển sang kiến trúc tháp Hòa Lai, khoảng đầu thế kỷ 8.

'Bóng ma' quanh ngôi tháp cát vùi - Ảnh 1.

Tháp Phú Diên

Nguyễn Văn Kự, 2003

Theo vũ trụ quan trong thần thoại Ấn Độ giáo, núi Mêru là nơi trú ngụ của các thần linh. Núi có nhiều đỉnh cao thấp khác nhau, vị thần tối cao ngự trên đỉnh núi cao nhất, các vị thần tùy theo các bậc cao thấp khác nhau mà ngự trị ở những đỉnh núi thấp hơn trên cùng một dãy Mêru huyền thoại. Sikhara (người Chăm gọi Kalan) là một dạng kiến trúc xây dựng theo tín ngưỡng thờ thần Siva, một trong 3 vị thần tối cao (tam vị nhất thể) của Ấn Độ giáo. Vị trí xây tháp lý tưởng là trên những ngọn đồi, phía dưới chân tháp có một khối đá tảng to lớn, vững chãi. Ở những nơi không tìm được khối đá tảng phía dưới người ta gia cố móng bằng đá ong. Vì vậy, đa số tháp Chăm dọc miền Trung và Tây nguyên được xây dựng trên vùng đồi núi hoặc mô đất cao có đá ong.

Thế nhưng, tháp Phú Diên lại nằm ở vị trí gần biển và ở vùng đất thấp, có cấu trúc nguyên khối đất nung, không có mái và có nằm đơn lẻ, khác xa các di tích tháp Chăm thường gặp. Đây có thể là một đặc điểm độc đáo để các nhà nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử bồi lắng và hình thành vùng đất Chăm cổ cũng như sự biến động của dải bờ biển Bắc Trung bộ qua nhiều thế kỷ. Tháp Phú Diên cũng khiến giới sử học và khảo cổ học phải nhìn nhận lại một sự thật là không phải ngôi tháp nào của người Chăm cũng được xây dựng trên các gò cao.

Việc phát hiện ngôi tháp khác lạ, chìm sâu trong lòng đất vào mùa hè năm 2000 tại Phú Diên là một sự kiện gây chú ý đáng kể đối với giới sưu tầm cổ vật. Từ nhiều nơi, họ âm thầm tìm về Phú Diên thu thập tin tức, lân la dò hỏi người dân, ban đêm lén lút tìm cách xâm nhập khu tháp cổ. Hành tung nhiều bí ẩn, thoắt ẩn thoắt hiện của họ trong đêm tối như thể những bóng ma. Một thời gian ngắn sau đó, cùng với những biện pháp bảo vệ khu phế tích của các cơ quan quản lý và công tác tuyên truyền giải thích của cơ quan chức năng, "những bóng ma" ấy thưa dần rồi mất hẳn.

Ngôi tháp cát vùi

Tháng 9.2001, cuộc khai quật tháp Phú Diên được tiến hành và đã làm phát lộ một ngôi tháp cổ khá nguyên vẹn nhưng bị vùi sâu dưới lòng cát từ 5 - 7 m, thấp hơn mực nước biển 3 - 4 m và chỉ cách bờ biển 120 m. Đế tháp có hình chữ nhật cắt góc, cao 0,29 m gồm 4 lớp gạch xây liền khít tạo nền vững chắc cho thân tháp. Thân tháp cao 1,36 m, lòng tháp hình chữ nhật (dài 3,9 m, rộng 3,3 m), giữa có bệ thờ cao 0,73 m, trên bệ có yoni bằng sa thạch. Việc phát hiện ngẫu tượng yoni trên bệ gạch khẳng định Phú Diên là một tháp Chăm.

'Bóng ma' quanh ngôi tháp cát vùi - Ảnh 2.

Tháp Phú Diên sau khi được xử lý bảo quản

Lê Hiếu, 2007

Nhìn từ bên ngoài vào, tháp như một bệ thờ lộ thiên và có 4 cửa. Cửa chính quay mặt ra Biển Đông, là cửa ra vào, bị sụp đổ một bên. Còn lại 3 cửa giả, có kiểu dáng, kích thước giống nhau: cửa hướng nam khá nguyên vẹn, cửa hướng tây nứt ở vòm, cửa hướng bắc nghiêng lệch ở chân đế. Các vòm cửa khá hài hòa, trang trí đầu cột và góc mái với 10 lớp gạch nhô dần ra, phía dưới là phần cột bo tròn.

Cách 5 m phía trước cửa chính của tháp có một bệ thờ được xây hình khối vuông bằng chất liệu gạch với kỹ thuật mài xếp liền khít cao 1,4 m, cạnh dài 1,38 m, chính giữa bệ còn một lỗ tròn đường kính 0,19 m mà các nhà nghiên cứu nghi rằng trước kia đây là nơi đặt tượng thờ.

Dù trải qua hàng thế kỷ, đến nay vẫn thấy màu gạch còn đỏ hồng đẹp mắt. Các mẫu gạch đều xốp, có kích thước không đều.

Ngày 28.12.2001, tháp Phú Diên được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (loại hình kiến trúc nghệ thuật).

Tháng 10.2005, Bộ Văn hóa - Thông tin và UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt dự án trùng tu tháp, giao Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung thực hiện các hạng mục trùng tu. Đến tháng 5.2007, dự án trùng tu hoàn thành. Hiện nay, tháp Phú Diên đang được bảo tồn trong một nhà kính nhằm hạn chế tác động từ môi trường tự nhiên.

Ngày 14.3.2022, Tổ chức Kỷ lục VN (VietKings) có quyết định xác lập Kỷ lục VN đối với tháp Phú Diên với tiêu chí "tháp Chăm cổ chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên tại VN".

Ngày 30.5.2022, Liên minh Kỷ lục thế giới (WorldKings) có quyết định xác lập Kỷ lục thế giới đối với tháp Phú Diên với tiêu chí "Tháp Chăm cổ bằng gạch chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên trên thế giới". (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.