(TNO) Lấy cột mốc từ 2005, chúng ta chống tiêu cực trong bóng đá suốt 10 năm qua mà chưa đạt hiệu quả mong muốn. Vì sao? Nguyên nhân từ cả 2 phía, chủ quan và khách quan...
>> 6 cầu thủ Đồng Nai bị giam giữ tại trại T16
>> Scandal Đồng Nai: Niềm tin là cái đinh gỉ...
>> Bắt khẩn cấp 6 cầu thủ Đồng Nai
>> Cầu thủ Đồng Nai tự... bán mình
Trong cuộc trao đổi gần đây với người viết, chuyên gia Vũ Công Lập nhận xét... giật mình: “Người châu Á, đặc biệt là những nền văn hóa ảnh hưởng bởi Trung Quốc, có máu bài bạc hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Người Mỹ, châu Âu đánh bạc cùng lắm là thua mất nhà cửa, xe cộ; còn dân châu Á chúng ta sẵn sàng đem cả tính mạng vợ con, gia đình ra để đánh độ”.
Nhận xét này giải thích tại sao, bóng ma tiêu cực, cá độ vẫn cứ lởn vởn trên bầu trời bóng đá Việt Nam, dù hàng loạt đại án tiêu cực bị phanh phui, từ vụ bán độ Bacolod 2005 huỷ hoại hình ảnh quốc gia; cho đến Xi măng The Vissai Ninh Bình, và mới nhất là 5 cầu thủ Đồng Nai dàn xếp tỷ số trong trận gặp Than Quảng Ninh ở V-League.
Lấy cột mốc từ 2005, chúng ta chống tiêu cực suốt 10 năm qua mà chưa đạt hiệu quả mong muốn. Vì sao? Nguyên nhân từ cả 2 phía, chủ quan và khách quan.
Tội phạm tiêu cực diễn biến ngày càng phức tạp
|
Khách quan mà nói, tội phạm tiêu cực trong bóng đá ngày càng tiến triển phức tạp và tinh vi. Ông Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (C45), Tổng cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm Bộ Công an, trong cuộc họp thông báo tình hình vụ án Đồng Nai nhấn mạnh rằng: “Tội phạm cá độ - tiêu cực ở V-League giờ đây không cần thông qua một đối tượng thứ 3 bên ngoài để dàn xếp tỷ số nữa. Thông qua mạng Internet và các thiết bị di động, họ tự bàn bạc với nhau làm độ, mà điển hình là vụ án này, kẻ chủ mưu lại là đội trưởng Phạm Hữu Phát”.
Về chủ quan, các lực lượng chức năng đang ở thế hoàn toàn bị động và chờ có án xảy ra mới triệt phá, công tác phòng tiêu cực chưa được quan tâm đúng mực và hiệu quả.
“Tôi chưa hề nhận được đề nghị nào, của cả Liên đoàn bóng đá Việt Nam lẫn các CLB, đề nghị C45 giúp đỡ phòng ngừa tiêu cực. Chỉ khi vụ việc đã xảy ra, chúng ta mới bắt tay vào phá án. Như thế, chúng ta luôn đi sau bọn tội phạm một bước”, dẫn lời Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến.
Trung tâm cá độ, trung tâm tiêu cực nằm ở “vùng trũng”
Cũng theo ông Vũ Công Lập, người từng nghiên cứu rất sâu về giới cá độ qua việc dịch cuốn sách Ai quyết định của Declan Hill, nhà báo đoạt giải Pulitzer, trong vòng 3 năm qua có hơn 1.000 vụ tiêu cực được phát hiện trong bóng đá. Điểm đáng chú ý là, càng bóng đá ở cấp thấp, ở vùng trũng càng có nhiều tiêu cực hơn bóng đá đỉnh cao ở châu Âu. Tại Đức, các trận đấu ở hạng 4, hạng 5 dễ có nguy cơ bị giới cá độ đen nhòm ngó hơn là ở hạng 1 Bundesliga.
|
Mặt khác, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam lại là những nơi cờ bạc, cá độ rất phát triển. Tại Việt Nam từ thế kỷ trước, không hiếm chuyện có người sẵn sàng đem từng chân con ngựa mình đang cưỡi ra để đặt độ trong những trò đỏ đen.
Nhà báo Vũ Công Lập tổng kết: “Nhiều năm qua, công tác phòng chống tiêu cực luôn được thúc đẩy ở mọi cấp độ thể thao. Nhưng sự thật là các nhà làm luật, các cơ quan quản lý lúc nào cũng đi sau bọn tội phạm, lúc nào cũng không nhiều tiền bằng tội phạm. Chúng ta ở thế rất bị động trong cuộc đấu tranh này.
Một chuyên gia bóng đá châu Âu từng nêu ý kiến rằng, hay là bây giờ không chống cá độ, tiêu cực nữa, mà phân thể thao làm 2 nhóm: nhóm trong sạch đá với nhau, còn nhóm cá độ đá với nhau. Nhưng rồi không ai đồng thuận với quan điểm này. Người ta kết luận rằng, chống tiêu cực vẫn phải làm, dù chẳng mấy ai tin vào hiệu quả của việc đó”.
Thế nên, dù 10 năm, 20 năm hay thậm chí là 100 năm sau, chống tiêu cực vẫn phải tiến hành để làm trong sạch nền bóng đá nước ta, khôi phục niềm tin nơi người hâm mộ và nhà tài trợ, như phát biểu gần đây của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng.
Anh Tuấn
Bình luận (0)