Bóng mây hạt nhân che phủ thượng đỉnh BRICS tại Trung Quốc

04/09/2017 09:22 GMT+7

CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân ngay dịp khai mạc hội nghị thượng đỉnh BRICS với lãnh đạo các nước đang tập trung tại Trung Quốc.

Hội nghị thượng đỉnh khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) khai mạc tại thành phố Hạ Môn, Trung Quốc ngày 3.9, trong khi CHDCND Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân cùng ngày.
Theo AFP, các thành viên BRICS họp lần thứ 9 giữa lúc có nhiều thông tin khối này đang trở nên thiếu gắn bó. Tuy nhiên, vấn đề này đang bị che mờ bởi việc Bình Nhưỡng tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch, dường như cố ý diễn ra trùng với sự kiện.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đề cập trực tiếp vụ thử hạt nhân mà chỉ nói rằng “bóng đen đang bao trùm cả thế giới sau nhiều năm hòa bình”, đồng thời cho rằng chỉ có đối thoại, tham vấn và đàm phán mới có thể dập tắt “lửa chiến tranh”.
Cuộc họp thượng đỉnh còn có sự hiện diện của lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu, gồm Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Brazil Michel Temer và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma.
Trước đó, căng thẳng tại biên giới Ấn – Trung đã hạ nhiệt và hai bên thỏa thuận rút quân nhằm mở đường cho hội nghị. Phát biểu hôm 3.9, ông Tập nhấn mạnh các thành viên nên thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau và “tránh xung đột”, dù không đề cập trực tiếp đến căng thẳng.
“Một số người chứng kiến những thị trường mới nổi và các nước đang phát triển trải qua giai đoạn trì trệ đã khẳng định rằng các nước BRICS đang mất đi sự huy hoàng”, Chủ tịch Trung Quốc phát biểu.
Trong khối, Trung Quốc và Ấn Độ được xem là hai nền kinh tế mạnh. Tuy nhiên, khủng hoảng giá tiêu dùng đã tác động mạnh đến 3 thành viên còn lại. Trong khi đó, Nam Phi còn phải đối phó các vấn đề bất ổn chính trị.
Giới quan sát đánh giá thành công lớn nhất của BRICS là việc thành lập Ngân hàng New Development ở Thượng Hải, hoạt động theo mô hình Ngân hàng Thế giới (World Bank). Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến tranh cãi quanh lợi ích của ngân hàng này đối với các thành viên.
Trong khi đó, thương mại nội khối chủ yếu nghiêng về phía Trung Quốc khiến các thành viên khác chỉ trích. Riêng Ấn Độ đã nhiều lần khiếu nại về thương mại với Trung Quốc trong năm nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.