Bóng rối sở hữu lối dẫn đặc sắc mang hơi thở đương đại, phá vỡ quy tắc kịch truyền thống. Suốt gần 120 phút, tác phẩm dìu dắt khán giả một cách mê hoặc đi qua những giây phút nghẹt thở, xót xa rồi sau đó vỡ òa và mỉm cười với điều chính bản thân đã tìm ra.
Nhiều thủ pháp sân khấu được sử dụng, thúc ép người xem không được sao lãng, để vừa thưởng thức vừa tìm hiểu đến cùng tâm lý nhân vật không chỉ được giấu kín bằng nghệ thuật sân khấu mà cả sau những con rối và những màn trình diễn ngoạn mục của chúng.
Vở kịch bắt đầu khi Kiên về nhà, sau khi nhận tin bố đột ngột qua đời. Không ai trong gia đình cho Kiên lời giải thích về cái chết của bố.
Kiên trách người lớn đã giấu mình, lừa dối mình. Đóng mình trong studio của bố, Kiên lội ngược về quá khứ qua các con rối, truy tìm nguyên nhân cái chết bí ẩn của bố.
Ẩn mật trong lòng mỗi người thân dần hé mở cho Kiên: không ai trong số họ hạnh phúc, không ai được sống như mình muốn, không ai được thỏa mãn khao khát của tâm hồn.
Hình ảnh các con rối trong vở diễn xuất hiện khi người có điều khó nói hay không thể nói. Chúng biểu trưng cho con người bên trong của các nhân vật chính khi trải qua những cuộc chiến nội tâm đầy giằng xé. Nhưng rối thật hơn người khi dám sống là chính mình. Dám giận dữ, uất ức. Dám mắng nhiếc, dám thơ mộng.
Bóng rối như các hình ảnh hiện ra từ dòng chảy vô thức, một cảnh nào đó trong mơ hay một thế giới đồng hiện với cuộc sống mà mắt không nhìn thấy được. Các bóng rối tái hiện những gì diễn ra trong vô thức, những suy đoán, nhận định, những cảm xúc tự phát.
Chia sẻ với Thanh Niên, tác giả vở Bóng rối Vũ Hoàng Hoa cho biết, Bóng rối được viết theo kịch thử nghiệm, khá phức tạp khi có đến 26 cảnh và đảo lộn trình tự về không gian cũng như thời gian. Nó như một trò chơi mà trong đó chị muốn xếp các không gian và thời gian khác nhau bên cạnh nhau, và đưa nhân vật nhảy từ không gian giấc mơ, không gian tư duy cho đến thực tại.
Đây là một vở kịch không dễ xem khi mọi mâu thuẫn và xung đột ẩn chìm sâu bên trong, không lộ ra rõ ràng như những thể loại kịch thông thường. Bởi vậy đây cũng là một bài toán khó với các đạo diễn.
Thông qua vở diễn, những ẩn mật mà con người giấu kín trong lòng, những khao khát thầm kín mà mỗi cá nhân không dám thể hiện và chạm tới sẽ được bộc bạch một cách kín đáo. Từ câu chuyện của một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, ta bàn đến sự tự do trong tư tưởng, vượt qua nỗi sợ hãi để vươn tới hạnh phúc đích thực. Thay vì ẩn mình trong những chiếc bóng để trở thành những con rối do người khác điều khiển, sao không tự mình nắm giữ lấy hạnh phúc, đấu tranh để được là chính mình?
Cái kết mở được tác giả lựa chọn đã để lại cho khán giả những câu hỏi: mỗi người có được sống đúng với bản thân mình? Lựa chọn của một người cho bản thân có thuộc về họ hay bị chi phối bởi một mạng lưới bổn phận trách nhiệm nhằng nhịt? Lựa chọn ấy luôn do dự, ngập ngừng, luôn tính toán để đưa ra sự lựa chọn. Bởi, lựa chọn ấy luôn có hai mặt được - mất, như mặt thiện - ác của Baku (thần thú ăn giấc mơ). Lựa chọn ấy phải trả giá, như Baku ăn ác mộng và ăn cả giấc mơ.
Vở Bóng rối có sự tham gia của NSND Lan Hương, NSND Việt Thắng và các nghệ sĩ Khuất Quỳnh Hoa, Nguyễn Vũ, Thế Nguyên, Vũ Tuấn...
Vở kịch Bóng rối sẽ chính thức được Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn vào ngày 20, 21, 23.11.
Bình luận (0)