Kết quả ở Sơn La, là lời khai từ một phía của ông Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La rằng ông được giám đốc sở này và đồng nghiệp, người thân "nhờ vả" nâng điểm. Là kết thúc điều tra giai đoạn 1, hứa hẹn điều tra giai đoạn 2. Và con số gây sốc: giá nâng điểm thi mỗi “ca” trung bình khoảng một tỉ đồng.
Vậy mà lâu nay báo chí cũng như dư luận xã hội cứ "tế nhị" gọi vụ này là "nâng điểm". Giờ hóa ra là mua điểm giá rất cao. Nâng điểm thì còn có thể nghĩ đến khả năng động cơ "nâng đỡ trong sáng" hoặc "nâng đỡ không trong sáng", chứ còn người bỏ ra tiền tỉ người nhận làm cũng tiền tỉ thì rõ là chuyện mua bán điểm rồi.
Những phụ huynh liên quan, có người chủ động nhờ nâng điểm cho con thì đã đành, nhưng có người là "nạn nhân" bị ai đó "hãm hại" bằng cách nâng điểm cho con họ mới là điều đáng bàn. Họ tự dưng bị vạ trên trời rơi xuống, con “bị” nâng điểm, còn họ thì hàm tiếng oan mà không được "minh oan", không được xin lỗi để lấy lại danh dự.
Đã đến lúc đủ rồi những "nhân văn" đem ra để che chắn cho những kẻ làm nhơ nhuốc giáo dục.
44 ca thí sinh cả số “được” lẫn số "bị" nâng điểm phải rời vị trí đã "chiếm" của thí sinh khác trong trường đại học. Nhưng 44 thí sinh bị "cướp" cơ hội trúng tuyển vào đại học mơ ước của mình thì vẫn không nhận được bất cứ một sự hoàn trả công bằng nào, kể cả là một lời xin lỗi.
Vài tuần nữa thôi, một kỳ tuyển sinh mới sẽ bắt đầu. Nhưng chuyện của kỳ tuyển sinh cũ 2018 chỉ mới tạm khép lại điều tra giai đoạn 1. Chúng ta vẫn phải tiếp tục hy vọng vào chút ánh sáng công lý nào đó mang tên “điều tra giai đoạn 2” sẽ soi thẳng mặt những “biên kịch” và “đạo diễn” thật sự của bộ phim hình sự mua điểm thi tiền tỉ có một không hai của ngành giáo dục VN, chứ không chỉ có những “diễn viên đóng thế” bị lật mặt.
Để bóng tối không mênh mông ở phía sau vụ việc.
Bình luận (0)