Bonsai miền Trung

18/02/2015 09:00 GMT+7

(TN Xuân) Ở Đà Nẵng, có 2 người chơi bonsai được giới chơi bonsai miền Trung ngưỡng mộ, đó là anh Mai Thanh Thiện (trú P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn) và anh Phan Khôi (trú Bàu Hạc 1, Q.Hải Châu).

(TN Xuân) Ở Đà Nẵng, có 2 người chơi bonsai được giới chơi bonsai miền Trung ngưỡng mộ, đó là anh Mai Thanh Thiện (trú P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn) và anh Phan Khôi (trú Bàu Hạc 1, Q.Hải Châu).

Một cội bonsai độc đáo của anh Thiện
Một cội bonsai độc đáo của anh Thiện - Ảnh: Diệu Hiền
Biến phôi rẻ tiền thành bonsai “khủng”
Anh Thiện vốn là một nghệ nhân làng đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng). 16 năm về trước, anh gắn đời mình với thú chơi bonsai, bao nhiêu tiền của có được từ nghề làm đá tinh xảo, anh đều đổ dồn vào đó. Anh cho hay, chơi bonsai giúp tinh thần tĩnh lặng, thanh thản sau những giờ phút làm việc mệt nhoài.
Vào thời điểm ấy, anh Thiện đã là người chơi bonsai nổi tiếng “quái” bởi anh không theo lối mòn trước đó mà mọi người vẫn chuộng. Anh đi các nơi tìm mua phôi bonsai, tự về chăm sóc, uốn nắn, tỉ mỉ cho từng loại cây một. Cả những cây không hợp thổ nhưỡng miền Trung anh cũng đem về. 16 năm trước, anh Thiện đã biết uốn cây theo những thế thiên nhiên, là lối chơi bonsai mà những năm gần đây mọi người mới bắt đầu ưa chuộng. Từ mỗi phôi cây, hơn 10 năm được anh Thiện chăm bẵm đã trở thành những cây bonsai “khủng”. Hơn 500 cội bonsai độc đáo, có giá trị cao như: linh sam, tùng, hải châu, cấm thị, nguyệt quế, sam núi, mai chiếu thủy... là gia tài mà anh Thiện có.
Nghề đá rơi vào khó khăn, nhưng anh Thiện vẫn kiên quyết không bán những cây mà anh tâm huyết, như bộ ba: nghinh khắc tùng, tọa cung tùng, tọa thác tùng được nhiều người ngã giá gần 100 triệu đồng cho một cây. “Tôi chỉ chia sẻ cho một số bạn bè, một số người tìm được sự đồng điệu và thể hiện được tình yêu với những cây cảnh mà mình đã dày công chăm bẵm”, anh Thiện thực tình chia sẻ. Câu chuyện anh với một đại sứ người Nga được nhiều người kể lại, khi anh mang cây bonsai hải châu đi triển lãm, ông đại sứ theo anh về tận nhà, ngỏ ý rất muốn mua cho được cây bonsai đó. “Lúc ấy tôi có hỏi ông rằng ông mua để chưng ở Việt Nam hay mang về Nga. Nếu mua để ở Việt Nam tôi sẵn sàng bán cho ông với giá chỉ bằng nửa giá trị thực của cây, bởi là tình hòa hữu. Nhưng ông nói ông mang về Nga, nên tôi từ chối, và giải thích nếu ông mang về Nga, thì cây bonsai tâm huyết của tôi sẽ trở thành cây củi mục, vì không hợp khí hậu lạnh giá và thổ nhưỡng bên ấy, nên bao nhiêu tiền tôi cũng không thể bán”, anh Thiện giải thích lời từ chối của mình. Cũng hiếm khi anh mang những tác phẩm mình đi dự thi, chỉ để dành cho bạn bè đến thưởng ngoạn.
Anh Khôi bên những cây bonsai quý của mình
Anh Khôi bên những cây bonsai quý của mình
Bộ sưu tập bonsai độc đáo
Trong khi anh Thiện là người chơi bonsai nổi tiếng, thì anh Phan Khôi lại nổi tiếng bởi sở hữu những bộ sưu tập bonsai vô cùng độc đáo mà anh dày công sưu tầm khắp nơi trên đất nước. Anh Thiện chỉ vào những cây bonsai trong khu vực trưng bày của Hội Hoa viên Q.Hải Châu, và bảo “80% chỗ bonsai này là của tui”. Vừa dạo trong vườn bonsai, vừa giới thiệu mấy chục gốc linh sam, cây duối, cây đa... với những cội cây già đại thụ, cùng thế vô cùng đặc biệt, như rồng bay phượng múa là những thế tự nhiên của cây, không phải do uốn nắn mà thành. Và hơn 300 cội bonsai “độc” của anh Khôi, là bộ sưu tập bonsai mà bất cứ ai trong giới chơi bonsai cũng đều mơ ước.
Để có được “gia tài” bonsai như hiện nay, anh Khôi đã tốn không ít tiền của lẫn công sức. Anh phải vào nam, ra bắc hay lùng sục ở hang cùng ngõ hẻm ở tỉnh nổi tiếng về bonsai như Phú Yên, hoặc lên những vùng miền núi khi nghe ai mách, để “tầm” những cây bonsai độc. Anh Khôi có cả bộ sưu tập gồm nhiều huy chương vàng, bạc, đồng khi gắn mình với bonsai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.