Bớt sắc tố là những tổn thương tăng sắc tố xuất hiện từ lúc mới sinh hoặc những năm đầu đời, với tần suất mắc phải khoảng 1/10000 người. Tình trạng này gây nhiều ảnh hưởng đến tâm lý, sự tự ti, mặc cảm và trở ngại trong giao tiếp cho người mắc phải. Nếu như trước đây bớt sắc tố thường được quan niệm là không thể điều trị khỏi, thì hiện nay với sự phát triển của khoa học công nghệ, bớt sắc tố đã có thể được điều trị hiệu quả và an toàn bằng công nghệ laser.
Đây là kỹ thuật ít xâm lấn, không cần thời gian nghỉ dưỡng sau điều trị và không để lại sẹo như điều trị bằng phẫu thuật. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả, người bệnh cần được thăm khám kỹ lưỡng bởi bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán chính xác dạng tổn thương tăng sắc tố, từ đó chọn lựa phương pháp điều trị và chăm sóc phù hợp.
Phân loại bớt sắc tố
Bớt sắc tố là các tổn thương lành tính, được phân thành nhiều nhóm với lâm sàng đa dạng cùng sinh bệnh học phức tạp. Trong đó có thể kể đến như các bớt sắc tố bẩm sinh, bớt sắc tố phân phối theo cấu trúc đặc biệt của cơ thể, bớt sắc tố do tăng tế bào hắc tố ở lớp bì.
Thông thường bớt sắc tố xuất hiện đơn độc hoặc số lượng ít, kích thước nhỏ, trong những trường hợp bớt có số lượng nhiều và kích thước lớn, có thể gợi ý một số tình trạng bệnh lý nghiêm trọng hơn, đòi hỏi sự thăm khám toàn diện. Hiệu quả điều trị bằng laser của mỗi loại bớt sắc tố là khác nhau. Một số dạng bớt sắc tố thường gặp có thể điều trị hiệu quả bằng laser bao gồm bớt Ota, dát cà phê sữa và bớt sắc tố bẩm sinh.
Bớt Ota - Dát cà phê sữa - Bớt sắc tố bẩm sinh
Cơ chế điều trị bớt sắc tố bằng laser
Nhờ vào cơ chế phân hủy quang nhiệt chọn lọc, tia laser có thể tác động chọn lọc lên các hạt sắc tố ở lớp sâu trong da, làm vỡ các hạt sắc tố mà không gây tổn thương cho vùng da bình thường xung quanh. Do đó phương pháp điều trị bằng laser rất hiệu quả và an toàn, ít tác dụng phụ và không để lại sẹo. Với những bớt sắc tố phẳng như bớt Ota hoặc dát cà phê sữa, laser được lựa chọn là các loại laser không xâm lấn như laser Q-switched hoặc laser pico giây. Trong khi với những bớt sắc tố đậm màu và thường nổi gồ trên bề mặt da như bớt sắc tố bẩm sinh, sự phối hợp giữa laser xâm lấn CO2 hoặc Erbium và laser không xâm lấn sẽ mang lại hiệu quả điều trị tốt hơn.
Hiệu quả của điều trị bớt sắc tố bằng laser
Tùy vào dạng bớt sắc tố cũng như các đặc điểm của bớt như độ nông sâu, màu sắc, kích thước mà số lần điều trị và hiệu quả điều trị sẽ thay đổi. Thông thường một liệu trình điều trị bớt sắc tố bằng laser được thực hiện từ 3 lần trở lên, thời gian giữa hai lần cách nhau 1 đến 2 tháng.
Hình ảnh trước và sau điều trị bớt sắc tố bằng laser Q-switched 5 lần
Tác dụng phụ
Các tác dụng phụ do điều trị bằng laser thường nhẹ và thoáng qua. Một số tác dụng phụ thường gặp như đau rát, da đỏ, sưng nề sau điều trị có thể tự khỏi sau vài giờ đến vài ngày. Tăng giảm sắc tố có thể gặp ở loại da sậm màu, trong khi hình thành sẹo ít gặp hơn.
Đỏ da ngay sau điều trị laser
Chăm sóc sau điều trị
Vì laser là kỹ thuật ít xâm lấn, rất an toàn khi được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa, quá trình chăm sóc sau điều trị tương đối đơn giản. Người bệnh có thể sinh hoạt bình thường ngay sau khi điều trị. Tại nhà, cần lưu ý chăm sóc da như chống nhiễm trùng và lựa chọn kem dưỡng và tránh nắng thật kỹ để da phục hồi nhanh và tránh được các tác dụng phụ như kích ứng, tăng sắc tố sau viêm hoặc để lại sẹo.
Đối những ai đang bị bớt sắc tố, ThS.BS Huỳnh Bạch Cúc khuyến cáo nên được thăm khám và điều trị sớm để đạt được hiệu quả, giúp giảm thiểu gánh nặng tâm lý và những cản trở đến giao tiếp xã hội của người mắc phải. Vì sự đa dạng trong biểu hiện và sinh bệnh học của các loại bớt sắc tố, việc điều trị chỉ đạt được hiệu quả và an toàn khi bạn được thăm khám và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm tại những cơ sở khám chữa bệnh uy tín.
Bình luận (0)