Sau phán quyết buộc chính phủ của Thủ tướng Theresa May phải tham vấn quốc hội trước khi ra quyết định cuối cùng về việc nước Anh ra khỏi EU (Brexit), tòa án ở Anh mới rồi phán quyết thêm là cả chính quyền xứ Scottland, Wales và tổ chức công đoàn của người Anh lao động ở nước ngoài cũng có quyền tham gia quyết định về Brexit.
Phán quyết như thế của tòa án Anh gây thêm khó khăn và khó xử cho bà May cả trong đối nội lẫn về đối ngoại. Nó thỏa mãn đòi hỏi của công chúng và dư luận ở nước Anh, nhưng làm suy yếu vị thế của bà thủ tướng trong đàm phán với EU về thực hiện Brexit.
Brexit đã được đa số cử tri trên đảo quốc quyết định trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23.6. Phán xử của tòa án về lý thuyết để ngỏ khả năng không xảy ra Brexit khi không cho phép chính phủ tự quyết định mà buộc phải tham vấn quốc hội. Quyết định này nhằm gây áp lực tới chính phủ và cá nhân bà thủ tướng cũng như nhằm làm cho nội bộ xã hội và chính trường không bị phân hóa sâu sắc thêm.
Trên thực tế, việc thực hiện Brexit sẽ trở nên khó khăn và phức tạp hơn, nhưng không vì phán quyết của tòa hay ý kiến của xứ Scottland và Wales hay của tổ chức công đoàn mà bị đảo ngược. Cử tri trên đảo quốc này đã quyết và tất cả các chính trị gia cũng như giới chức sắc ở Anh đều không dám hành động trái lại. Họ chỉ tập trung vào việc can thiệp và tác động sao cho không để chính phủ của bà May tự tung tự tác.
EU cũng không còn sẵn sàng và thiện chí thuyết phục nước Anh tiếp tục ở lại trong khối, mà giờ chỉ muốn xử lý Brexit nhanh chóng và dứt điểm. Phía Anh giờ đang tự làm khó cho chính mình nhiều hơn là cho EU.
tin liên quan
Chính phủ Anh kiện tòa cấp cao, đòi quyền quyết định BrexitChính phủ Anh tuyên bố sẽ kháng cáo lên tòa án tối cao đòi quyền quyết định vấn đề Brexit. Trước đó, tòa án cấp cao phán quyết Quốc hội chứ không phải chính phủ mới có tiếng nói cuối cùng để Anh rút khỏi EU.
Bình luận (0)